21/07/2023 15:10
Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, ngành du lịch từng bước xây dựng, khai thác sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử. Công tác quản lý, khai thác và phát huy phù hợp các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững. Các doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho văn hóa và coi là chiến lược kinh doanh, đồng thời thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng…
Ngoài phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, Kiên Giang còn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; phát triển đa dạng các tuyến du lịch, loại hình du lịch ven biển, các đảo... Đầu tư nâng cấp một số lễ hội như Nguyễn Trung Trực, Phan Thị Ràng, Ok Om Bok, Tao đàn Chiêu Anh Các... thu hút đông đảo du khách.
Kiên Giang thu hút nhà đầu tư các dịch vụ vui chơi, giải trí đẳng cấp như cáp treo hòn Thơm, vườn thú Safari, công viên chủ đề VinWonders, công viên lặn ngắm san hô… góp phần đáp ứng nhu cầu của du khách.
Khách tham quan di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Lộ Mới, xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang).
Đến nay, vốn đầu tư công và ngân sách sự nghiệp phát triển du lịch của Kiên Giang đạt 377 tỷ đồng, vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt 377.392 tỷ đồng... “Nhờ thực hiện các giải pháp phát triển du lịch, trong đó có bám sát chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, giai đoạn từ 2018-2022, Kiên Giang đón và phục vụ trên 32 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế đạt hơn 1,7 triệu lượt; doanh thu đạt hơn 56.000 tỷ đồng”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái nói.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang Trần Quốc Khánh cho biết, dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google cho thấy, Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50-75%. Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, du lịch Việt Nam giành 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á.
Ngoài ra, vài năm trở lại đây nước ta nhiều lần được tôn vinh là điểm đến di sản hàng đầu thế giới, điểm đến hàng đầu châu Á. Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa du lịch cởi mở nhất thế giới... Trong đó Kiên Giang, nhất là Phú Quốc liên tiếp được vinh danh ở nhiều hạng mục du lịch khu vực châu Á và thế giới. Điều này cho thấy, du lịch từng bước trở thành ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam nói chung và Kiên Giang nói riêng.
Khách du lịch vui chơi tại bãi biển Mũi Nai, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).
Tại Kiên Giang, ông Trần Quốc Khánh cho rằng, để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch cần phải phát triển du lịch trong mối liên kết với các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, lấy người dân địa phương làm chủ thể chính để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bởi người dân địa phương tạo ra, kế thừa và phát huy vốn văn hóa tại địa phương đó.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang Bùi Quốc Thái thông tin, trên cơ sở các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa như lễ hội, di tích lịch sử, các điểm du lịch văn hóa, tâm linh…, Kiên Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của tỉnh để thu hút khách du lịch. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, nhất là du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh.
Kiên Giang tập trung kêu gọi thu hút đầu tư và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật kinh doanh du lịch tại các địa phương có di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt, bảo tàng, di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, khu vui chơi, giải trí; xây dựng điểm đến du lịch văn minh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện…
Bài và ảnh: NGUYỄN MINH
(KGO) - Sáng 16-11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 bế mạc sau 4 ngày diễn ra các hoạt động sôi nổi trên địa bàn thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao.
Tổng số lượt truy cập: