06/10/2023 14:13
Theo Tổng cục Du lịch, Kiên Giang hấp dẫn du khách do có nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và nhiều công trình du lịch mới, hiện đại. Thời gian qua, Kiên Giang chủ động kết nối thị trường du lịch với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước để đưa du lịch tỉnh đến gần với du khách. Ngoài ra, Kiên Giang đầu tư xây dựng nhiều công trình du lịch hiện đại, xứng tầm là điểm du lịch lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, muốn du lịch Kiên Giang thu hút du khách hơn, tỉnh cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch để có dòng khách ổn định và chất lượng. Doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động hơn trên cơ sở các sản phẩm du lịch Kiên Giang để có thể nắm bắt xu hướng gắn kết thị trường trong và ngoài nước.
“Mỗi doanh nghiệp cần có chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm theo định hướng của mình để lan tỏa điểm đến của địa phương, thị trường du lịch khác nhau. Khi mỗi sản phẩm du lịch càng tỏa sáng thì Kiên Giang càng được nhiều du khách biết đến và chọn du lịch...”, Phó Tổng cục trưởng Cục Du lịch Hà Văn Siêu nói.
Khách du lịch tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang).
Bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh nhận định Phú Quốc là điểm nhấn của du lịch Kiên Giang. Để thu hút du khách đến Phú Quốc nói riêng, Kiên Giang nói chung, Kiên Giang cần xây dựng chương trình kích cầu du lịch vào ngày thường nhằm tránh quá tải vào cuối tuần. Tỉnh cần tổ chức các chương trình, sự kiện, lễ hội du lịch thường niên; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo sản phẩm du lịch độc đáo riêng, dịch vụ du lịch đa dạng… đáp ứng nhu cầu của du khách.
Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng Phú Quốc là điểm đến hấp dẫn. Với khí hậu ôn hòa, làn nước trong xanh và hệ sinh thái du lịch đa dạng, cùng với đó là hệ thống các tổ hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và nhiều điểm danh thắng, lịch sử, văn hóa giúp Phú Quốc thu hút nhiều nhà đầu tư, khách du lịch đến đầu tư, nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, Phú Quốc đang dần đánh mất lợi thế thu hút du khách vì nhiều nguyên nhân; trong đó có việc đầu tư quá ồ ạt và thiếu quy hoạch khiến Phú Quốc mất dần vẻ đẹp tự nhiên; hiệu quả hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến, quảng bá chưa cao, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế…
Khách du lịch chơi xe trượt ống tại khu du lịch Mũi Nai, TP. Hà Tiên (Kiên Giang).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng để phát triển du lịch Phú Quốc bền vững, địa phương cần hoàn thiện tốt quy hoạch tổng thể, tích hợp sớm nhất; tăng cường đầu tư, huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, khoa học, đảm bảo tính chiến lược, lâu dài và bền vững; tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển có chiều sâu; đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, phát triển làng nghề truyền thống ven biển; tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển đặc thù, có bản sắc và sức cạnh tranh cao.
Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển du lịch xanh và bền vững; nâng chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch; tỉnh Kiên Giang cần tăng cường kết nối, phối hợp các cơ quan Trung ương đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách vượt trội, tạo sự thu hút cho Phú Quốc; đề xuất các chương trình kết nối liên ngành, xuyên ngành để cùng tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp, chi phí hợp lý thấp; tăng cường đầu tư hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư và du lịch trên nền tảng số với các chương trình hấp dẫn…
Bài và ảnh: NGUYỄN MINH
(KGO) - Sáng 16-11, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XVI năm 2024 bế mạc sau 4 ngày diễn ra các hoạt động sôi nổi trên địa bàn thị trấn Gò Quao, huyện Gò Quao.
Tổng số lượt truy cập: