13/07/2022 13:49
5 giờ 30 phút, khi ánh mặt trời ló dạng, mặt nước biển Hòn Sơn êm đềm đưa vài con sóng dạt bãi cát vàng lấp lánh, báo hiệu một ngày mới yên ả, thuận lợi cho người dân làm nghề biển. Thời điểm này cũng là lúc ông Nguyễn Văn Hưng, ngụ xã Lại Sơn bắt đầu công việc đánh lưới cá gỏi. Dáng người gầy, làn da sạm nắng, ông Hưng vác tay lưới đánh cá to đùng khiến ông như lọt thỏm giữa không gian rộng lớn của biển.
Sau khi chọn được địa điểm thích hợp, với đôi tay nhanh nhạy, lành nghề, ông Hưng để một đầu lưới trên bờ rồi trầm mình xuống biển thả lưới, thoắt đó, 180m lưới nằm gọn dưới mặt nước biển. Ông Hưng cho biết: “Cá gỏi hay có người kêu là cá giỏi, có phần mỏ nhọn, kích thước khoảng một ngón tay trở lại, do sống gần bờ nên dễ đánh bắt. Ở Hòn Sơn có nhiều bãi cát chạy dài, kế bên là các ghềnh đá là nơi cá gỏi hay trú ngụ”.
Là dân gốc ở Hòn Sơn nên ông Hưng không khó biết chỗ có nhiều cá gỏi để thả lưới. Theo ông Hưng, cá gỏi sống theo đàn, khi con nước vừa lớn hoặc biển vừa ngưng động là chúng vào gần mé biển để tìm thức ăn nên thả lưới lúc đó sẽ bắt được nhiều cá. “Ở Hòn Sơn, cá gỏi còn nhưng không nhiều, tôi đánh 3-4 lưới mới được 3kg, có khi nhiều hơn chút”, ông Hưng nói.
Biển Hòn Sơn mùa gió nam thổi nhẹ, phía làng chài cách đó không xa tàu, ghe tấp nập xuất bến. Tiếng hỏi thăm nhau í ới của ngư dân làm không khí náo nhiệt... Tay lưới của ông Hưng lúc này cũng khép lại dần dưới đôi tay thuần thục của người thợ làng chài. Những con cá gỏi bị nhốt đua nhau phóng lên khỏi mặt nước biển, tạo nên hình ảnh đẹp mắt trong niềm háo hức của ông Hưng và chúng tôi.
Cá gỏi không có nhiều gai lại dài nên dễ gỡ. Vừa gỡ cá, ông Hưng nói: “Ngày trước cá này chỉ bán cho các ghe câu mực làm mồi và dùng chiên, kho ăn. Sau này, mấy cụ già trên đảo làm gỏi ăn kiểu giống như cá trích thì phát hiện ăn cũng rất ngon nên người dân làm theo và bán cho khách du lịch. Món gỏi cá gỏi ngon lắm, trở thành đặc sản của Hòn Sơn, du khách đến đây thường kiếm món này”.
Ông Hưng bên mẻ lưới cá gỏi vừa bao được.
Kiểm tra thông tin với người dân lớn tuổi ở xứ đảo, quả thật lời ông Hưng nói không sai. Trong ẩm thực có bốn loại gồm mai, ngân, trích, gỏi chính là bốn loài cá được người dân xứ đảo liệt vào hàng “tứ khoái” bởi độ ngon từ các loại cá này. Và trong bốn loại trên thì cá gỏi hiếm hơn. Ở Hòn Sơn cũng chỉ có 1-2 quán có bán món gỏi cá gỏi.
Theo ông Hưng, nghề bao lưới cá gỏi ở Hòn Sơn giờ có ít người làm vì nguồn cá hiếm hơn trước. “Hiện nhu cầu mua cá này nhiều nhưng không đủ bán, 1kg cá gỏi tôi bán được 70.000 đồng. Tôi để dành cho vợ làm gỏi bán cho khách du lịch chứ không bán cá tươi”, ông Hưng chia sẻ. Theo ông Hưng, nhờ nghề bao lưới cá gỏi mà vợ chồng ông có thu nhập nuôi các con ăn học. Ngoài ra, vợ chồng ông còn góp phần quảng bá món ẩm thực đặc sản của xứ đảo đến đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh, đó là niềm vui lớn nhất của ông bà.
Kết thúc mẻ lưới cá gỏi thứ ba, ông Hưng cuốn lưới ra về và mời chúng tôi đến quán của vợ ông thưởng thức món gỏi cá gỏi trứ danh xứ đảo... Sau một hồi chế biến, dĩa gỏi cá gỏi dọn lên có hành tây lót bên dưới, dừa nạo và đậu phộng rải đều lên trên thịt cá gỏi phi lê trắng. Gói một cuốn gỏi kèm với các loại rau rừng Hòn Sơn, chấm nước mắm chua ngọt rồi cho vào miệng, vị ngọt của cá hòa quyện cùng chút vị cay nồng của những lát hành tây, ớt, ít độ béo của đậu phộng cùng dừa khô nạo, vị mặn ngọt của nước mắm tạo nên hương vị đậm đà khó quên…
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Phú Quốc (Kiên Giang) đang vào mùa khai thác cá trích cuối năm. Hàng ngày, khi màn đêm còn đen kịt, ngư dân đã tất bật dong thuyền thúng ra khơi bủa lưới. Khi mặt trời nhú lên một khoảng, họ hướng thuyền vào bờ, mang theo hàng trăm kí lô lộc biển…
Tổng số lượt truy cập: