30/09/2022 09:05
Tay liên tục bóp chiếc kèn hơi phát ra âm thanh tít te…tít te…, ông Phú đạp xe chầm chậm dọc khắp các ngõ hẻm trên địa bàn TP. Rạch Giá mỗi ngày. Đồ nghề của ông nằm gọn trong một cái túi nhỏ, gồm dầu gió, dầu xoa bóp, thiết bị đo huyết áp, cây lăn massage và một bộ giác hơi.
Ông Phú nhớ lại, cách đây 28 năm, khi mới vào nghề, ông đạp xe lòng vòng, lâu mới có người kêu đấm bóp. Làm xong còn bị khách chê. Không bỏ cuộc, ông Phú tìm đến những người chuyên đấm bóp dạo ở TP. Hồ Chí Minh để học nghề.
Một số người đấm bóp dạo ở TP. Hồ Chí Minh thấy ông xa xứ, nghèo nhưng ham học hỏi nên truyền dạy cho ông miễn phí. “Nghề dạy nghề, tôi vừa làm, vừa để ý cảm nhận của khách rồi tiếp tục học hỏi. Tôi còn “chế” thêm nhiều ngón nghề độc đáo hơn để khách vừa ý. Hiện nay, tôi thực hiện đấm bóp khoảng 20 kiểu, mỗi lần khoảng 40 phút/khách”, ông Phú chia sẻ.
Ông Tôn Văn Phú đạp xe đi hành nghề đấm bóp dạo trên đường Trần Phú, TP. Rạch Giá.
Theo chân ông Phú, chúng tôi đến một con hẻm nhỏ trên đường Mạc Đĩnh Chi, TP. Rạch Giá, vào phòng trọ của anh Trương Văn Gô Ly - khách quen của ông Phú 4 năm nay. Ông Phú cẩn thận đo huyết áp cho anh Ly trước khi đấm bóp.
Thấy huyết áp của anh Ly ổn định, ông Phú dùng tay nhanh nhẹn thoa dầu xoa bóp dọc theo sống lưng, từ từ dò ấn huyệt, sau đó thành thục các bước đấm bóp trên lưng.
“Tôi đấm bóp mỗi ngày nhiều nhất 8 khách, ít nhất 3 khách. Giá dao dộng từ vài chục ngàn đến hơn 200.000 đồng/lần, tùy nhà khách xa hay gần và tùy người. Nhiều trường hợp tôi không lấy tiền vì thấy hoàn cảnh họ khó khăn, lại còn bị bệnh”, ông Phú cho biết.
Ông Lê Duy Hạnh làm nghề bán vé số dạo, ngụ số 31/6 đường Huỳnh Tịnh Của, TP. Rạch Giá vừa là “mối ruột”, vừa là bạn chí cốt của ông Phú nhiều năm. Ông Hạnh nói: “Tôi năm nay 64 tuổi, khi thấy mệt, tôi kêu ông Phú đấm bóp. Ông ấy mát tay lắm, được đấm bóp tôi thấy khỏe liền. Hôm nào đi bán vé số có tiền, tôi trả 50.000 đồng/lần đấm bóp. Những hôm tôi không có tiền, ông Phú miễn phí”.
Ông Tôn Văn Phú đang đấm bóp cho anh Trương Văn Gô Ly.
Nhiều người làm nghề bốc vác, lao động nặng khi được ông Phú bấm huyệt, đấm bóp, giác hơi xong cảm thấy khỏe hơn và nhanh hết bệnh.
Những người có hoàn cảnh khó khăn trả tiền công đấm bóp bao nhiêu ông Phú lấy bấy nhiêu, dù rất ít, có người không trả công ông vẫn vui vẻ chấp nhận vì coi đây là việc để giúp người.
Ông Phú cho biết ông không có nhiều tiền để làm từ thiện, nhưng bằng công sức vẫn có thể giúp nhiều người mau hết bệnh. Vì thế, ông sẽ tiếp tục làm nghề đấm bóp dạo đến khi không còn đủ sức khỏe mới nghỉ.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM
(KGO) - Phú Quốc (Kiên Giang) đang vào mùa khai thác cá trích cuối năm. Hàng ngày, khi màn đêm còn đen kịt, ngư dân đã tất bật dong thuyền thúng ra khơi bủa lưới. Khi mặt trời nhú lên một khoảng, họ hướng thuyền vào bờ, mang theo hàng trăm kí lô lộc biển…
Tổng số lượt truy cập: