27/04/2022 13:37
Bao báp là loại cây nổi tiếng của châu Phi, thuộc họ gạo. Thân cây rất to và có thể sống đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi. Cây bao báp được xem là biểu tượng của vùng đất, con người châu Phi bởi sự sinh tồn mạnh mẽ dù phải sống trong môi trường khắc nghiệt…
Về nguồn gốc cây bao báp ở TP. Hà Tiên, hiện chỉ biết qua những câu chuyện kể từ người lớn tuổi, những đồng chí nguyên và đương nhiệm ở Ban Chỉ huy Quân sự TP. Hà Tiên, còn tài liệu ghi chép rất ít. Theo đồng chí Dương Văn Thân - nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Hà Tiên, năm 1991 trong những chuyến công tác đến đây, đồng chí thấy có cây khá to ở khu vực này về sau mới biết đây là cây bao báp.
Đến năm 2008, khi đồng chí về làm Tham mưu trưởng đơn vị mới có dịp tìm hiểu nhiều hơn về cây bao báp. “Nghe kể lại, cây này được ông quan ba người Pháp đem từ châu Phi về trồng. Nhẩm lại lịch sử, Pháp chiếm Hà Tiên vào năm 1867, sau đó họ xây nhà tham biện trên đồi Ngũ Hổ. Tòa nhà còn được gọi là lầu ba hoặc lầu Ông Chánh cũng là trụ sở làm việc của ông Chánh tham biện người Pháp - người đứng đầu coi việc hành chính một tỉnh trong thời kỳ Pháp thuộc… Khi tôi về đây công tác, người ông hơn 80 tuổi của đồng chí chính trị viên thường hay lên đây thăm cháu cho biết từ nhỏ ông đã thấy cây bao báp được trồng ở đây. Căn cứ theo thông tin trên thì cây bao báp trên đồi Ngũ Hổ bây giờ phải trên 100 năm tuổi”, đồng chí Thân nói.
Cây bao báp ở TP. Hà Tiên đang sinh trưởng khá tốt, cao khoảng 40m, tán rộng khoảng 60m, chu vi gốc cây gần 9m. Cây trổ bông khoảng tháng 9-10, cuống hoa có thể dài đến 1m và ra trái tháng 11. “Cây bao báp trên đồi Ngũ Hổ với anh em có ý nghĩa như một nhân chứng chiến tranh, của lịch sử, bởi trên thân cây vẫn còn những vết tích tàn phá của bom đạn… Lúc tôi mới về công tác, nhiều hỏm trên thân cây sâu gần nửa cánh tay, vậy mà đến nay nó chỉ còn sâu độ bàn tay. Sự mạnh mẽ của cây bao báp có nét giống hình ảnh của những người lính nên chúng tôi rất trân trọng nó”, đồng chí Dương Văn Thân chia sẻ.
Cây bao báp trên đồi Ngũ Hổ (TP. Hà Tiên) được cho là trên 100 năm tuổi.
Một điều khá thú vị về cây bao báp ở TP. Hà Tiên là cây chỉ được biết tên chính xác trong dịp rất tình cờ. “Cụ thể năm nào thì tôi không nhớ nhưng lúc đó đoàn cán bộ tỉnh ta đi công tác, ghé thăm thành nội Huế, thấy nơi đó có cây giống ở địa phương mình đề tên cây bao báp. Khi về địa phương “so đọ” lại thì giống y chang nhau rồi lên internet tìm hiểu mới biết chính xác là cây bao báp. Nhờ thông tin lan truyền, năm 2009 có đoàn cán bộ Trung ương vào xác minh và khẳng định đây là cây bao báp và lớn hơn cây bao báp được cho là duy nhất ở Việt Nam khi đó trồng ở Huế”, đồng chí Thân nhớ lại.
Sau khi biết rõ nguồn gốc của loại cây có nguồn gốc cách nước ta hàng ngàn cây số, cây bao báp ở TP. Hà Tiên được nhiều nghệ nhân ở TP. Hồ Chí Minh về xin chiết cành để nhân giống song đều thất bại… Vậy mà, một số anh, chú ở TP. Hà Tiên lại trồng được từ hạt 14 cây bao báp con, trong đó đồng chí Thân trồng được 5 cây; đồng chí Nguyễn Văn Tân - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Tiên (khi đó còn là thị xã) trồng được 9 cây. Hiện ở TP. Hà Tiên, một số cây bao báp nhỏ được trồng ở khuôn viên Thành ủy, Công an thành phố, nhà lưu niệm Tao đàn Chiêu Anh Các vươn mình xanh tốt.
Để bảo vệ cây bao báp trên 100 tuổi, Chỉ huy Thành đội Hà Tiên giao nhiệm vụ cho chiến sĩ luân phiên chăm sóc mỗi ngày cho cây xanh tốt. Thượng tá Huỳnh Công Bình - Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Hà Tiên cho biết: “Mỗi ngày, đơn vị giao các chiến sĩ tưới nước cho cây vì đặc tính cây bao báp là hút nhiều nước để bảo vệ thân. Cán bộ, chiến sĩ còn trồng hoa quanh gốc cây để giữ ẩm, định kỳ bón phân cho cây. Ở Thành đội Hà Tiên, cây bao báp được xem là tài sản quý nên cán bộ, chiến sĩ đơn vị giữ gìn cẩn thận; nhiều đồng chí cấp trên về hưu vẫn hay gọi điện nhắc chúng tôi chăm sóc cây cẩn thận”.
Bài và ảnh: TRUNG HIẾU
(KGO) - Phú Quốc (Kiên Giang) đang vào mùa khai thác cá trích cuối năm. Hàng ngày, khi màn đêm còn đen kịt, ngư dân đã tất bật dong thuyền thúng ra khơi bủa lưới. Khi mặt trời nhú lên một khoảng, họ hướng thuyền vào bờ, mang theo hàng trăm kí lô lộc biển…
Tổng số lượt truy cập: