16/02/2023 10:52
KOL (key opinion leader) là những ngươi có am hiểu sâu sắc về một lĩnh vực nhất định như thời trang, ẩm thực, làm đẹp, sức khỏe... và có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. KOL có thể là bác sĩ, chuyên gia chăm sóc sắc đẹp, ca sĩ, diễn viên hoặc đầu bếp. Nhiều doanh nghiệp tận dụng sức ảnh hưởng của những KOL này mời họ về quảng bá sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin cho khách hàng, bán sản phẩm chạy hơn.
Tuy nhiên, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok hay Instagram, thời gian gần đây xuất hiện nhiều KOL “không đạt chuẩn”. Những người này không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản mà chỉ sở hữu lượng người theo dõi “khủng”. Không ít sản phẩm do những KOL giới thiệu, quảng cáo không đạt chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng. Một số KOL đã thổi phồng công dụng của sản phẩm khi giới thiệu đến người tiêu dùng.
Vì cân nặng tăng hơn 3kg sau tết nên chị P.T.L, ngụ thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đã mua thuốc giảm cân của H.M - TikToker có hơn 500.000 lượt theo dõi trên TikTok. Chị L đã theo dõi H.M một thời gian dài và thấy TikToker này nổi tiếng nên tin tưởng và mua sản phẩm sử dụng.
“Tôi theo dõi các bình luận trên kênh TikTok của H.M và thấy có nhiều lời khen dành cho sản phẩm thuốc giảm cân nên đã quyết định sử dụng. Uống thuốc xong tôi thường chóng mặt, buồn nôn và mệt mỏi. Sau 1 tuần sử dụng tôi có triệu chứng táo bón và ngày càng nặng hơn. Tôi phải nhập viện và được biết mình bị rối loạn tiêu hóa do các thành phần trong thuốc giảm cân”, chị L cho biết.
Theo chị L, sau khi ngưng dùng thuốc giảm cân và điều trị, hiện sức khỏe của chị đã ổn định. Chị có nhắn tin phản ánh nhưng H.M không trả lời. Những bình luận của chị trong video cũng bị H.M xóa.
Người tiêu dùng thường mua hàng khi theo dõi các livestream, bài đăng của KOL trên mạng xã hội.
Anh D.M.T, ngụ huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) bị rụng tóc nhiều sau khi mắc COVID-19. Anh T lên mạng để tìm sản phẩm hỗ trợ giúp tóc mọc nhanh.
Anh T chia sẻ: “Tôi xem clip của TikToker Linh.L.T. Người này có hơn 1 triệu lượt theo dõi nên tôi mua sản phẩm thuốc xịt kích thích mọc tóc do Linh giới thiệu với giá 550.000 đồng/chai. Sau khi sử dụng, tôi thất vọng vì mùi quá nồng và hôi chứ không thơm bạc hà như quảng cáo. Sau 3 ngày, da đầu tôi bắt đầu ngứa, rát và bong lên nhiều mảng trắng, vì thế tôi không sử dụng nữa. Khi kiểm tra thành phần tôi biết được loại thuốc xịt này chứa nhiều cồn và không có tác dụng dưỡng tóc hay giúp tóc mọc”.
Kem body trắng da là sản phẩm được giới trẻ quan tâm và sử dụng nhiều. Chị P.L.B.T, ngụ TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đã mua và sử dụng kem body trắng da do một TikToker có hơn 600.000 lượt theo dõi tên H.N.
Chị B.T cho biết: “H.N quảng cáo mỗi ngày bán được hơn 300 hũ kem nên tôi nghĩ sản phẩm tốt và đặt hàng, giá một hũ 300.000 đồng. Tôi bị ngứa và nổi mẩn đỏ sau khi sử dụng, da cũng mỏng đi và bị nám do dễ bắt nắng. H.N hứa nếu khách hàng không hài lòng khi dùng kem có thể liên hệ để được hỗ trợ đổi trả, nhưng khi tôi nhắn tin thì không được trả lời và bị H.N chặn. Lúc này tôi mới hiểu được tất cả chỉ là chiêu trò nhằm bán được nhiều hàng”.
Các nhãn hàng hiện nay tuyển KOL quảng cáo dựa vào các tiêu chí như lượng theo dõi cao, lượng tương tác mỗi bài đăng lớn và sự yêu thích của giới trẻ dành cho KOL. Không ít tổ chức, cá nhân, nhãn hàng sử dụng các KOL như một chiêu để câu khách hàng, nhưng thực tế chất lượng sản phẩm kém hoặc sản phẩm không đúng như công dụng đã giới thiệu. Vì thế, trước khi mua sản phẩm người tiêu dùng cần kiểm tra thật kỹ thông tin, xuất xứ và thành phần của sản phẩm, đừng tin tưởng hoàn toàn vào KOL để tránh tiền mất tật mang.
Bài và ảnh: TƯỜNG VI
(KGO) - Phú Quốc (Kiên Giang) đang vào mùa khai thác cá trích cuối năm. Hàng ngày, khi màn đêm còn đen kịt, ngư dân đã tất bật dong thuyền thúng ra khơi bủa lưới. Khi mặt trời nhú lên một khoảng, họ hướng thuyền vào bờ, mang theo hàng trăm kí lô lộc biển…
Tổng số lượt truy cập: