18/04/2024 16:26
Theo nhiều giai thoại kể về quần đảo Hải Tặc, quần đảo này bắt đầu có sự hiện diện của cư dân từ thế kỷ XVII, tức khoảng 400 năm trước. Quần đảo có vị thế đặc biệt, là tuyến đường biển mà các tàu buôn quốc tế thường xuyên qua lại, giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Lợi dụng địa thế này, nhiều toán cướp biển đã hình thành để cướp tài sản từ các tàu buôn.
Về sự xuất hiện của các toán cướp biển, nhiều tờ báo uy tín trong cả nước từng dẫn lời nhà sử học Trương Minh Đạt (học giả chuyên nghiên cứu lịch sử vùng đất Hà Tiên, Kiên Giang) cho biết, thời gian Mạc Thiên Tích mở mang đất Hà Tiên (1718-1780) là thời điểm cướp biển xuất hiện ở quần đảo Hải Tặc. Về sau, khi Mạc Thiên Tích thất thủ trước quân Xiêm, quần đảo này không có chính quyền quản lý, cũng là thời điểm các toán cướp biển lộng hành mạnh mẽ.
Chưa có một tài liệu lịch sử chính thống nào ghi chép về hoạt động của các băng nhóm cướp biển ở vùng biển quần đảo Hải Tặc, cũng không ai rõ tên gọi “quần đảo Hải Tặc” có từ khi nào. Tuy nhiên xuất phát từ thực tế tên gọi này, cùng rất nhiều câu chuyện giai thoại 400 năm của vùng đất đảo từng là sào huyệt của cướp biển, đã khiến mọi thứ liên quan đến quần đảo Hải Tặc trở nên bí hiểm vì chưa minh bạch, ít được kiểm chứng, chỉ được truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Toàn cảnh quần đảo Hải Tặc.
Trong sách “Trấn Hà Tiên và Tao đàn Chiêu anh các” của tác giả Hà Văn Thùy, xuất bản năm 2002 (NXB Văn học) có viết: “… Do vị trí địa lý của mình, Hà Tiên còn bị nhiều trận cướp phá của những đảng phái ngoài Vịnh Xiêm La: Năm 1747, bọn cướp biển ở Long Xuyên chặn cướp thuyền chở tặng vật của chúa Nguyễn ban thưởng; năm 1767, dẹp bọn cướp do Hoắc Nhiên cầm đầu tại vùng Cổ Công; năm 1770 dẹp bọn cướp lớn có sào huyệt ở Canpôt, Vũng Thơm...”, đã chia sẻ một góc nhìn về sự bất ổn trên vùng biển thuộc Vịnh Xiêm La (nay là Vịnh Thái Lan).
Trong đó, quần đảo Hải Tặc là một trong số vùng biển tâm điểm hoành hành của các băng nhóm cướp biển. Mãi đến sau này, khi thực dân Pháp cai trị Hà Tiên (sau 1884), vùng biển khu vực quần đảo Hải Tặc vẫn được cho là có cướp biển hoạt động, nhưng đã khá yếu ớt.
Toàn cảnh đảo Hòn Tre Lớn, thuộc quần đảo Hải Tặc, nơi từng được cho là sào huyệt của băng cướp biển "Cánh buồm đen".
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Chứa, 69 tuổi, người có gần 40 năm sống ở Hòn Tre Lớn, thuộc quần đảo Hải Tặc, ông từng nghe rất nhiều người kể lại câu chuyện của nhóm cướp biển với tên gọi “Cánh buồm đen” của thời kỳ cận đại, lấy mốc từ khi thực dân Pháp xâm lược Hà Tiên (sau năm 1884).
Thời điểm đó, cướp biển không còn đủ năng lực để cướp những tàu buôn nước ngoài, hoặc những tàu buôn lớn. Băng cướp “Cánh buồm đen” dùng thuyền buồm gỗ thô sơ để cướp hàng của những tàu buôn nhỏ đi ngang qua khu vực quần đảo Hải Tặc.
Ông Nguyễn Văn Chứa.
Một trong những thành viên của băng cướp “Cánh buồm đen” được ông Chứa nhắc đến có tên là N.T.V (sinh 1892), hiện mộ phần của người này cùng người thân đã được các thế hệ con cháu lập khu mộ khá khang trang vào năm 2005, nằm tựa lưng vào một triền đồi cao thuộc đảo Hòn Tre Lớn.
Trước đó, đây là những ngôi mộ đất ít người biết đến. Qua chỉ dẫn của những người già cố cựu trên đảo Hòn Tre Lớn, phóng viên đã tìm đến khu mộ đặc biệt này.
Khu mộ của ông N.T.V và những người họ hàng. Nhiều người xác nhận ông N.T.V từng là thành viên của băng cướp "Cánh buồm đen" ở quần đảo Hải Tặc.
Theo chỉ dẫn của ông Nguyễn Văn Chứa, chúng tôi tìm đến nhà ông N.V.N, tại Hòn Tre Lớn lúc trời nhá nhem tối. Mùa này đất đảo nóng bỏng da, dù mặt trời đã ngủ yên ở lòng biển Tây nhưng không khí vẫn oi bức.
Đón tiếp chúng tôi, ông N.V.N cởi trần, pha ấm trà nóng và xem chúng tôi như những thượng khách. Ông nói ai đến nhà ông thì đều là khách quý của gia đình, trước lạ, sau quen thì mới có được thâm tình.
Ông N.V.N kể những câu chuyện về quần đảo Hải Tặc mà ông được nghe từ chính những người thân của mình.
Ông N.V.N năm nay 76 tuổi, minh mẫn và khỏe mạnh, hiện sống cùng vợ, bán tạp hóa trên đất đảo. Ông N.V.N là cháu ngoại của ông N.T.V - người được cho là thành viên của băng cướp “Cánh buồm đen” năm xưa.
Qua tìm hiểu của phóng viên, ông N.V.N không phải là hậu duệ duy nhất của cướp biển, mà ông còn có hai người em (bà con cô cậu) và hàng chục con, cháu, chắt hiện cũng sống trên đảo Hòn Tre Lớn. Ông N.V.N cùng những người con ,cháu khác đã lập mộ thờ tự ông N.T.V trên một triền đồi thuộc đảo Hòn Tre Lớn.
Em con cô cậu với ông N.V.N chia sẻ với phóng viên về những điều ngại ngùng khi có ai hỏi đến nguồn gốc của quần đảo Hải Tặc.
Trong câu chuyện kể, ông N.V.N còn nhắc đến một hậu duệ khác của nhóm cướp “Cánh buồm đen”, đó là bà Mười Bầu. Bà đã mất nhiều năm nay, cũng là cháu ruột của một thành viên trong nhóm cướp năm xưa.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Chứa, năm 1983, ngư dân trên quần đảo Hải Tặc phát hiện 2 người ngoại quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam trái phép, trình báo cho cơ quan chức năng địa phương bắt giữ. Hai người này đến quần đảo Hải Tặc bằng cano, mang theo bộ đàm, máy ảnh, máy dò kim loại, ống nhòm, hải đồ và những tấm bản đồ cổ vẽ lại địa hình quần đảo Hải Tặc.
Dù không có thông tin xác thực từ ngành chức năng thời điểm đó, nhưng những người dân địa phương đã truyền tai nhau rằng, 2 người ngoại quốc đến quần đảo của họ để tìm khó báu.
Điều này làm dấy lên câu chuyện thực hư về việc có hay không một kho báu đang tồn tại ở quần đảo Hải Tặc, nơi từng được xem là sào huyệt của các băng nhóm cướp biển năm xưa?
Cận cảnh Hòn Tre Lớn, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hải Tặc.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chứa, nhiều năm trước, nhóm ngư dân làm nghề lặn bắt hải sản trên vùng biển thuộc quần đảo Hải Tặc có nhặt được nhiều đồng tiền cổ. Thêm một lần nữa, câu chuyện nghi vấn về việc quần đảo Hải Tặc là nơi cất giấu nhiều tiền cổ, vàng bạc, châu báu của cướp biển tiếp tục được người dân, du khách bàn tán sôi nổi.
Tuy nhiên, có một thực tế là câu chuyện kho báu có hay không có ở quần đảo này đến giờ vẫn chưa từng một lần được kiểm chứng. Những câu chuyện truyền tai nhau trong dân gian, về việc không ít lần những ngư dân bản địa hiếu kỳ, bỏ nhiều công sức, thời gian đi tìm kiếm dấu vết “kho báu” nhưng đều trở về với hai bàn tay trắng.
Giả thuyết về việc những băng nhóm cướp biển năm xưa cất giấu kho tàng lớn ở quần đảo Hải Tặc đến giờ vẫn còn là sự nghi vấn đầy "khiêu khích".
Quần đảo Hải Tặc luôn là điểm đến ẩn chứa những câu chuyện kỳ bí, gợi sự tò mò của nhiều người.
Không thể phủ nhận rằng, những câu chuyện kể, những giai thoại về băng, nhóm cướp biển năm xưa cùng nghi vấn có hay không một kho báu khổng lồ hiện hữu giữa lòng đất đảo đã tạo sức hút đặc biệt cho quần đảo Hải Tặc đối với người dân, du khách thập phương.
Nhiều người tìm đến với quần đảo này vì những giai thoại được kể, chứ không hoàn toàn là vì khung cảnh non xanh, nước biếc, hay những nét độc đáo có một không hai mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng, làm nên điểm đến biển, đảo hữu tình.
Năm 2017, quần đảo Hải Tặc được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là điểm du lịch địa phương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quần đảo du lịch này thu hút thêm nhiều lượt du khách trong nước và quốc tế. Quần đảo Hải Tặc, nhất là Hòn Tre Lớn tiếp tục được đầu tư hạ tầng, giao thông, dịch vụ lưu trú… để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Một góc quần đảo Hải Tặc với cảnh sắc hoang sơ, tươi đẹp.
Khu du lịch địa phương quần đảo Hải Tặc gồm 18 đảo lớn, nhỏ nằm rải rác trên vùng biển thuộc TP. Hà Tiên. Điểm nhấn của điểm du lịch này là đảo Hòn Tre Lớn có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành. Đảo có Bãi Bắc là bãi tắm đẹp với cát trắng trải dài, những bãi đá hoang sơ, có bia đá chủ quyền, dinh Bà Chúa Hòn, chùa Sơn Hòa Tự.
Khung cảnh của các hòn đảo xung quanh Hòn Tre Lớn cũng rất trữ tình, người dân, du khách có thể dùng thuyền để ra tham quan Hòn Tre Vinh, Hòn Đước, Hòn Giang…
Điện lưới quốc gia được kéo từ đất liền ra Quần đảo Hải Tặc năm 2019.
Năm 2019, điện lưới quốc gia từ đất liền được kéo ra xã đảo Tiên Hải. Đảo Hòn Tre Lớn đã hoàn thiện đường vòng quanh đảo, trên đảo có hồ chứa nước ngọt khoảng 50.000m3…, giúp ích cho nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh, tạo động lực phát triển du lịch địa phương.
Trên đảo hiện có công trình đặc biệt, đó là bia đá chủ quyền ghi tên “quần đảo Hải Tặc”. Bia được lực lượng hải quân chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lập ngày 28-7-1958. Nội dung bia đá ghi khá rõ các thông tin như tên gọi của quần đảo, tọa độ, phạm vi quần đảo, tên các hòn đảo lớn, lực lượng lập bia đá…
Cận cảnh bia chủ quyền "Quần đảo Hải Tặc", đặt trên Hòn Tre Lớn, Quần đảo Hải Tặc.
“Bia đá chủ quyền quần đảo Hải Tặc là biểu tượng đặc biệt. Đây là minh chứng chủ quyền quần đảo của nước ta trong giai đoạn Mỹ xâm lược (thời Việt Nam Cộng Hòa). Đối với tôi, bia đá chứa đựng giá trị lịch sử và những bài học thiết thực về tinh thần đối với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, anh Hà Trung Hòa, du khách đến từ huyện Kiên Hải (Kiên Giang), cho biết.
Nhóm bạn của Ánh Tuyết (An Giang) tham quan bia chủ quyền "Quần đảo Hải Tặc".
"Chúng tôi đến với quần đảo Hải Tặc để được thỏa trí tò mò về câu chuyện quần đảo có cướp biển và những nghi vấn xung quanh câu chuyện có kho tàng trên đảo. Đặt chân đến đây, tôi bất ngờ trước cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp của hòn đảo. Người dân địa phương chân chất, trẻ em trên đảo rất thân thiện chào đón chúng tôi”, bạn Ánh Tuyết, du khách đến từ tỉnh An Giang, chia sẻ.
Trẻ em sống trên Hòn Tre Lớn, thuộc Quần đảo Hải Tặc.
Khu vực quần đảo Hải Tặc hiện có hơn 80 bè cá nuôi của người dân địa phương. Ngoài chú trọng đảm bảo số lượng cá thu hoạch thuần túy, chủ những bè cá nuôi còn phục vụ du khách tham quan trên biển bằng tàu cá, phục vụ những món ăn ngon từ hải sản nuôi trong lồng bè, hoặc hải sản được đánh bắt ở vùng biển ven bờ thuộc quần đảo Hải Tặc.
Ngư dân quần đảo Hải Tặc nuôi cá lồng bè trên biển.
Ngư dân hoạt động nghề cá trên biển thuộc Quần đảo Hải Tặc.
Quần đảo Hải Tặc đã được ngành chức năng triển khai thí điểm mô hình “Du lịch Homestay” tại nhà dân. Từ năm 2018 đến tháng 12-2023, quần đảo này thu hút khoảng 334.919 lượt khách đến tham quan du lịch.
Quần đảo Hải Tặc hiện có 8 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 4 cơ sở mua sắm hải sản, 12 cơ sở lưu trú với 109 phòng, sức chứa hơn 500 người/đêm.
Tàu cao tốc chở khách ra đảo, khi đến nơi du khách tham quan Hòn Tre Lớn bằng xe điện.
Người dân, du khách từ TP. Hà Tiên đến quần đảo Hải Tặc bằng tàu cao tốc hoặc tàu sắt tốc độ bình thường. Tại quần đảo Hải Tặc, có khoảng 5 tàu chở khách tham quan du lịch, câu cá, lặn ngắm san hô; có khoảng 60 xe máy, khoảng 10 xe điện phục vụ chở khách du lịch vòng quanh đảo Hòn Tre Lớn…
Hoàng hôn yên bình trên vùng biển quần đảo Hải Tặc.
Theo nhiều du khách, mỗi cung đường, điểm dừng chân, bãi biển, hàng cây, khe núi, con đồi, hay khung cảnh hoàng hôn trên vùng biển quần đảo Hải Tặc đều mang nét đẹp tĩnh lặng, đặc trưng khó diễn tả.
HOÀNG GIÁM
(KGO) - Đến Kiên Giang, ngoài trải nghiệm các dịch vụ vui chơi, giải trí đẳng cấp, du khách có thể khám phá vẻ đẹp của các làng chài, hòa mình tìm hiểu cuộc sống của người dân để cảm nhận thêm về vùng đất, con người ở vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Tổng số lượt truy cập: