08/10/2024 11:05
- Phóng viên: Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai những biện pháp nào để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc trừ sâu và phân bón giả trên địa bàn?
- Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại. Riêng tỉnh ta, về phân bón sử dụng hàng năm bình quân 280.000 tấn và khoảng 1.400 tấn thuốc trừ sâu.
Do nhu cầu sử dụng lớn, cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, nhận thức của nông dân còn nhiều hạn chế…, một số đối tượng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng đã đẩy mạnh hoạt động, khiến các sản phẩm này có mặt tại nhiều địa phương, làm cho công tác kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc trừ sâu và phân bón giả càng khó khăn. Nông dân khó nhận biết để lựa chọn cho phù hợp.
Trước những khó khăn, thách thức đó, tỉnh ta đã triển khai đồng bộ 4 biện pháp sau:
Một là, tăng cường quản lý nhà nước về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Tỉnh ta đã quán triệt, tuyên truyền từ trong nội bộ đến nhân dân các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước có liên quan đến quản lý doanh nghiệp, quản lý Nhà nước về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao tinh thần, trách nhiệm đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và nông dân về quản lý, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Hai là, tăng cường công tác nắm bắt tình hình, thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ngành nông nghiệp đã kiện toàn lực lượng thanh tra chuyên ngành nhằm tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực chuyên môn, tránh chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra như trước đây.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo thanh tra thực hiện 3 đoàn thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và 1 đoàn đột xuất thanh tra chuyên ngành về vật tư nông nghiệp. Qua đó đã thanh tra, kiểm tra 116 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực vật tư nông nghiệp trên toàn tỉnh, lấy 75 mẫu phân tích chất lượng; trong đó có 15 trường hợp vi phạm chất lượng hàng hóa về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; ban hành 138 quyết định xử phạt về vật tư nông nghiệp với tổng số tiền xử phạt trên 800 triệu đồng.
Ba là, nâng cao nhận thức cộng đồng về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thông qua các hoạt động tuyên truyền như hoạt động khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất tại đồng ruộng…, nông dân được hiểu biết thêm về tác hại của thuốc trừ sâu và phân bón giả, kém chất lượng. Ngành chức năng hướng dẫn nông dân cách nhận biết sản phẩm thật và giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các sản phẩm được đăng ký hợp chuẩn, hợp quy để nông dân hạn chế tối đa việc mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng.
Bốn là, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các bên liên quan và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Việc liên kết giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp, đại lý, chính quyền và nông dân nhằm trao đổi, phản ánh kịp thời về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm trên thị trường để nhận diện nhanh sản phẩm thật, giả để giúp công tác quản lý, xử lý kịp thời, đúng hành vi, đúng đối tượng.
Ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc điều tra và xử lý các vụ buôn bán hàng giả; thực hiện tốt quy chế phối hợp với Công an tỉnh, trong đó bao gồm việc phòng ngừa các hành vi gian lận thương mại trong kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Các hành vi vi phạm được xử phạt nghiêm theo quy định, không có vùng cấm.
Nông dân xã Vĩnh Thắng (Gò Quao) thu hoạch lúa hè thu 2024. Ảnh: TÂY HỒ
- Phóng viên: Những biện pháp giúp nông dân phát hiện và tránh sử dụng phải các sản phẩm thuốc trừ sâu và phân bón kém chất lượng là gì?
- Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Để hạn chế tối đa việc mua thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên tìm mua các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thương hiệu, uy tín, có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Lưu ý nông dân không nên mua và sử dụng các hàng hóa trôi nổi, có giá rẻ bất thường. Khi mua các loại phân bón về sử dụng, nên giữ lại bao bì để khi có sự cố, xảy ra gây thiệt hại cho cây trồng thì kịp thời thông báo với cơ sở kinh doanh và phản ánh đến Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh hoặc chính quyền địa phương để kiểm tra, xử lý.
Trên nhãn hàng hóa phải đầy đủ các thông tin theo quy định như thành phần (phân bón), đối tượng phòng trừ (thuốc bảo vệ thực vật), ngày sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ nơi sản xuất hoặc phân phối… Về cảm quan, thấy sản phẩm có những bất thường về màu sắc hoặc bị lắng tụ… thì không mua, không sử dụng.
- Phóng viên: Cùng với nỗi lo về tình trạng thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng đó là nỗi lo về tiêu thụ hàng hóa nông sản. Vậy tỉnh đã và đang tập trung vào những giải pháp gì để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản, nhất là trong và sau mùa vụ?
- Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Kiên Giang là tỉnh có diện tích và sản lượng lúa gạo lớn nhất nước, hàng năm với sản lượng trên 4 triệu tấn. Phần lớn lượng lúa gạo này là lúa hàng hóa. Với sản lượng lớn như vậy sẽ bị tác động rất lớn bởi thị trường. Do vậy, để sản xuất nông nghiệp được ổn định và phát triển, nhất là lúa gạo, trong thời gian qua ngành nông nghiệp của tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản.
Một là, đổi mới tổ chức sản xuất: Ngành nông nghiệp xác định sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững. 4 năm qua, ngành cùng chính quyền địa phương thực hiện đổi mới mạnh mẽ từ hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác. Đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được 767 cánh đồng lớn với diện tích 116.499ha; trong đó có 405 cánh đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay tỉnh đã thành lập 454 hợp tác xã với diện tích sản xuất 63.582ha.
Hai là, sản xuất nông sản theo hướng chất lượng và an toàn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tăng cường quản lý chất lượng từ khâu giống, vật tư đầu vào, quá trình canh tác và thu hoạch. Đồng thời triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý theo mã vùng trồng giúp nông dân sản xuất ra nông sản sạch, an toàn. Tỉnh hướng dẫn và cấp 500 mã số vùng trồng với tổng diện tích 17.683ha trên 15 loại cây trồng khác nhau phục vụ cho xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật, Trung Quốc, Canada, Malaysia, Singapore… Nhiều diện tích được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng quy trình canh tác sản xuất theo hướng giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính như “3 giảm, 3 tăng”, IPM, SRP… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai 2 mô hình thí điểm theo đề án này tại huyện Tân Hiệp và An Minh. Mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh triển khai khoảng 60.000ha và đến năm 2030 là 200.000ha.
- Phóng viên: Ông kỳ vọng gì về sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Kiên Giang thời gian tới?
- Ông Nguyễn Văn Nghĩa: Kỳ vọng của ngành nông nghiệp Kiên Giang trong thời gian tới sẽ hướng tới mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh. Nông dân sẽ biết tự lựa chọn sản phẩm tốt, chất lượng; biết ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng theo thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nông sản của Kiên Giang sẽ có nhiều thị trường quốc tế lựa chọn. Thu nhập của nông dân sẽ tăng lên góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân.
- Phóng viên: Cảm ơn ông!
TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện
(KGO) - Ngày 1-3-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện quy chế tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo hình thức phi địa giới hành chính tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc. Với mục tiêu chuyển đổi từ tư duy cấp phép sang tư duy phục vụ, quy chế này cho phép người dân nộp và nhận hồ sơ đất đai mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi trong đi lại.
Tổng số lượt truy cập: