27/09/2023 13:06
- Phóng viên: Thưa đồng chí, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính hiện nay có chức năng và tiện ích gì đối với tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính?
- Đồng chí Võ Minh Trung: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính là công cụ công khai, minh bạch trong quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi hoạt động của xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính là khẳng định mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh với thông điệp xây dựng một chính quyền phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp và các tổ chức tốt nhất.
Thời gian qua, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Kiên Giang với địa chỉ truy cập https://dichvucong.kiengiang.gov.vn đã cung cấp 1.927 thủ tục hành chính, kết nối liên thông, trong đó có 828 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 380 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tính đến hết ngày 19-9-2023, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận 299.873 hồ sơ, trong đó người dân và doanh nghiệp nộp trực tuyến 159.832 hồ sơ, chiếm 53,3%.
Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp như giảm thời gian, chi phí đi lại cho việc gửi, nhận hồ sơ và đặc biệt là tránh được tệ nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà từ một bộ phận cán bộ công quyền, tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính. Nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
UBND xã Bình Minh, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) phân công cán bộ xã trực luân phiên hàng ngày để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Ngoài ra, việc gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến giúp tổ chức, cá nhân có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet. Nếu trước đây muốn đăng ký thủ tục hành chính phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ thì hiện nay với dịch vụ công trực tuyến, mọi việc liên quan đến thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà; đồng thời, có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Vì vậy, khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chi phí đi lại.
- Phóng viên: Sau thời gian vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đồng chí đánh giá kết quả bước đầu đạt được như thế nào?
- Đồng chí Võ Minh Trung: Qua thời gian thực hiện, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang dần tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng. Số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến cải thiện. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến cải thiện rất đáng kể theo từng năm.
Đến ngày 19-9-2023, tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận 299.873 hồ sơ, trong đó người dân và doanh nghiệp nộp trực tuyến 159.832 hồ sơ, đạt 53,3% (tăng 2,86 lần so cuối năm 2022 là 18,6%); thanh toán trực tuyến 25,33%; năm 2022 đạt tỷ lệ rất thấp là 0,12%. Số hóa hồ sơ đạt 28%, tăng 12,2% so cuối năm 2022 là 16,8%, trong đó tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả điện tử đạt 7,1%...
Việc đẩy mạnh sử dụng các dịch vụ công trực tuyến qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục cần thiết mà không cần trực tiếp đến cơ quan nhà nước, theo dõi được hiện trạng việc giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình, tiết kiệm được thời gian, chi phí... Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện thực hóa chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số của tỉnh.
- Phóng viên: Trong quá trình triển khai vận hành có những thuận lợi và khó khăn gì cần tháo gỡ không?
- Đồng chí Võ Minh Trung: Thuận lợi là được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở, đặc biệt là nhận thức của một số cán bộ lãnh đạo của các sở, ngành, địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc. Triển khai nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết hành chính của tỉnh.
Một bộ phận người dân, doanh nghiệp đã quan tâm, thấy được những lợi ích từ việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến và đã chủ động, tích cực sử dụng các ứng dụng tiện ích của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
Về khó khăn thì một số lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên thời gian, nguồn lực và chưa có lộ trình, mục tiêu rõ ràng, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai… Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân còn thấp.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính còn hạn chế. Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng tại một số bộ phận chưa tốt. Hạ tầng công nghệ thông tin cũng như nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. An ninh, an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức.
Người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa còn thiếu thiết bị thông minh kết nối internet, hạn chế về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin nên ảnh hưởng đến việc nâng cao tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh có một số chức năng chưa thuận lợi cho người sử dụng, chưa có ứng dụng trên điện thoại thông minh, chưa tích hợp trợ lý ảo giúp thực hiện trả lời người dân về thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
- Phóng viên: Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cũng như phát huy hiệu quả của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, thời gian tới, tỉnh Kiên Giang cần thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm gì?
- Đồng chí Võ Minh Trung: Thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào một số nội dung sau: Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đề ra; xây dựng chính quyền số và xã hội số ngày càng toàn diện.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công của tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành để cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường tiếp cận người dân và doanh nghiệp. Tổ chức các cuộc hội thảo, buổi tư vấn trực tuyến, khảo sát để lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp về các thủ tục hành chính. Điều này sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cái nhìn tổng quan về những khó khăn mà người dân và doanh nghiệp gặp phải, giúp họ tìm ra các giải pháp để giải quyết vấn đề.
Tiếp tục đánh giá hiệu quả của các thủ tục hành chính hiện có. Tổ chức rà soát, đánh giá về hiệu quả của các thủ tục hành chính hiện có để tìm ra những điểm yếu và đưa ra các giải pháp cải tiến. Yêu cầu thủ tục hành chính mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, nhất là đối với các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công toàn trình và dịch vụ công một phần.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường giám sát chất lượng, thời gian giải quyết các hồ sơ đăng ký qua mạng trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Nhân dân có ý kiến, thắc mắc yêu cầu các cơ quan chức năng trả lời có thể gửi câu hỏi về chương trình tại địa chỉ email: danhoichinhquyentraloi@kiengiang.gov.vn hoặc gửi thư về Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, địa chỉ số 9 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) hoặc Tòa soạn Báo Kiên Giang, số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang). |
Triển khai thực hiện kết nối, đồng bộ các hệ thống thông tin chuyên ngành, tập trung nguồn lực đầu tư trang thiết bị đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm khi người dân liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Thường xuyên tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tổ chức hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại cấp huyện, xã. Ứng dụng trợ lý ảo để hỗ trợ công chức thực hiện trả lời, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp, tổ chức về thủ tục hành chính.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Việc triển khai đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật từ việc xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến đến áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý và phục vụ người dân.
Tổng số lượt truy cập: