08/11/2023 15:05
- Phóng viên: Đồng chí cho biết đối với người dân sinh sống trong vùng được công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu được thụ hưởng những chế độ, chính sách gì?
- Đồng chí Huỳnh Xuân Luật: Tính đến nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 24 xã an toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Việc được công nhận xã an toàn khu và vùng an toàn khu là niềm vinh dự và tự hào của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã, thị trấn nơi đây và của cả tỉnh Kiên Giang. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa thể hiện sự tri ân, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng căn cứ cách mạng, ghi nhận những công lao và đóng góp to lớn của quân và dân nơi đây trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng thời thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.
Hiện nay các bộ, ngành Trung ương đã và đang xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ đối với các xã an toàn khu, vùng an toàn khu trong kháng chiến chống pháp và chống Mỹ như các chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân các xã an toàn khu cách mạng (trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành); chính sách hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng các xã an toàn khu, vùng an toàn khu, các thiết chế văn hóa xã an toàn khu cách mạng; tiếp tục thực hiện chính sách chương trình 135 cho tất cả các xã an toàn khu cách mạng (trừ các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã đã được công nhận ra khỏi diện đầu tư của chương trình 135).
- Phóng viên: Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực từ ngày 3-12-2023, đồng chí có thể thông tin rõ hơn về việc bổ sung đối tượng và hỗ trợ mức đóng tham gia bảo hiểm y tế của Nghị định 75/2023/NĐ-CP; đặc biệt đối với người dân xã an toàn khu, vùng an toàn khu thì được quy định như thế nào đối với chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế?
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phố: Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định 2 đối tượng hết sức cơ bản đó là người dân sống ở các xã an toàn khu và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở các xã thuộc khu vực 2, khu vực 3 và các thôn, ấp đặc biệt khó khăn. Người dân ở xã an toàn khu cách mạng được ngân sách hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế 100% mức đóng. Còn đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì được ngân sách hỗ trợ đóng 70% mức đóng.
Để thể hiện sự tri ân những người, những khu vực có công với cách mạng, nghị định cũng đề cập đến việc chăm sóc sức khỏe cho những người dân sống ở khu vực này. Cụ thể, người dân có mức hưởng bảo hiểm y tế là 100% nếu như có phát sinh chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Phóng viên: Bảo hiểm xã hội tỉnh Kiên Giang đã xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu như thế nào trong thời gian tới?
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phố: Chúng tôi chủ động tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 75/2023/NĐ-CP; đồng thời phối hợp các sở, ngành chức năng chủ động theo dõi, tham mưu chỉ đạo các địa phương tiến hành lập danh sách đối tượng là những người sống ở xã an toàn khu cũng như đồng bào dân tộc thiểu số như trình bày ở trên để phê duyệt danh sách chuyển cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ kịp thời.
Chúng tôi cùng các sở, ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Kiên Giang tiếp tục xem xét mức hỗ trợ 30% cho đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các ngành, địa phương, cơ quan y tế tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân theo những thủ tục được Nghị định 75/2023/NĐ-CP quy định.
- Phóng viên: Sau khi được công nhận, chính quyền địa phương và nhân dân ở các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cần làm gì để phát huy truyền thống cách mạng trong thời gian tới?
- Đồng chí Huỳnh Xuân Luật: Trong thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội ở các xã an toàn khu, vùng an toàn khu có bước phát triển về mọi mặt. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên, làm cho nhân dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Ngày 6-11, vùng liên huyện U Minh Thượng, An Minh, Vĩnh Thuận (Kiên Giang) được công nhận là vùng an toàn khu. Trong ảnh: Một góc huyện Vĩnh Thuận.
Do đó, trong thời gian tới chính quyền các cấp được công nhận xã an toàn khu, vùng an toàn khu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống quê hương cách mạng các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng.
Bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng; huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú ý phát triển du lịch, nhất là du lịch về cội nguồn. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử nhằm thu hút du khách đến tham quan, du lịch, biết đến các chiến khu, an toàn khu cách mạng.
Chủ động cân đối ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực khác để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân tại các xã an toàn khu, vùng an toàn khu, làm sao cho người dân nơi đây có mức sống từ bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt chính sách mới hỗ trợ nhân dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng.
Chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, phục dựng các di tích lịch sử tại các căn cứ an toàn khu góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nhân dân cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng và đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt việc bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ, giáo dục và phát huy các giá trị lịch sử cách mạng, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua; phát triển kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp và văn minh.
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Ngày 1-3-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện quy chế tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo hình thức phi địa giới hành chính tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc. Với mục tiêu chuyển đổi từ tư duy cấp phép sang tư duy phục vụ, quy chế này cho phép người dân nộp và nhận hồ sơ đất đai mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi trong đi lại.
Tổng số lượt truy cập: