06/08/2024 14:59
Luật Đất đai năm 2024 rất quan trọng, liên quan đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; tác động đến hầu hết các chủ thể trong nền kinh tế, đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật đất đai; phù hợp với Hiến pháp; đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013. Luật Đất đai năm 2024 quy định những vấn đề đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, góp phần khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.
Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm đổi mới về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…; trong đó, tập trung tinh thần đề cao đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, nổi bật một số nội dung như sau: Thứ nhất, quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân từ không quá 10 lần theo Luật Đất đai năm 2013 lên không quá 15 lần hạn mức giao đất. Mục đích là để người có điều kiện đầu tư tích tụ đất đai, yên tâm sản xuất với quy mô lớn và thuận tiện áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâu dài.
Thứ hai, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, được nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở. Còn người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất như cá nhân trong nước, đặc biệt là được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng mọi loại đất. Điều này khắc phục được hạn chế như hiện nay là phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
Thứ ba, luật quy định chính sách về đất ở, đất sản xuất riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số tùy theo tình hình thực tế về quỹ đất của từng địa phương.
Thứ tư, luật cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong hạn mức 3ha hoặc nhận tặng, cho là người thuộc hàng thừa kế mà không hạn chế về hạn mức.
Thứ năm, luật quy định mở rộng thời điểm sử dụng đất khi xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân nếu sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2014 (trước đây là ngày 1-7-2004), không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền, không có tranh chấp; đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Thứ sáu, luật đơn giản hóa điều kiện, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở trên cơ sở định hướng quy hoạch, không phải yêu cầu người dân đăng ký kế hoạch theo từng năm như hiện nay.
Thứ bảy, về vấn đề thu hồi đất, bồi thường cho người dân thì Luật Đất đai năm 2024 quy định có nhiều điểm bảo đảm lợi ích của người dân như: Đảm bảo quan điểm phải có phương án và bố trí, bàn giao đất tái định cư, nhà tái định cư trước khi thu hồi đất; có thể bồi thường bằng đất ở, nhà ở khi thu hồi đất nông nghiệp khi người bị thu hồi đất yêu cầu và khả năng đáp ứng về quỹ đất ở, nhà ở của địa phương; được ghi nợ nghĩa vụ tài chính đất tái định cư.
Thứ tám, luật cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với đất thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu…, đồng thời được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp như nhà kho, sân phơi, lán trại mà không cần chuyển mục đích để giải quyết vấn đề tập quán sản xuất của người dân.
Thứ chín, luật bỏ khung giá đất, đồng thời quy định bảng giá đất được xây dựng hàng năm thay vì 5 năm như trước đây nhằm mục tiêu để giá đất sát giá thị trường theo từng năm.
Đất sản xuất lúa ở thị trấn Thứ Ba (An Biên).
Thứ mười, luật cho phép người đang được nhà nước cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê được lựa chọn chuyển sang trả tiền hàng năm (trước đây không được). Quy định này thể hiện sự linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và cá nhân trong việc lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất phù hợp với khả năng tài chính và nhu cầu sử dụng đất của mình.
Thứ mười một, luật cho phép người thuê đất trả tiền hàng năm được chuyển nhượng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Chính sách này giúp doanh nghiệp yên tâm khi thuê đất để sản xuất trong bối cảnh Luật Đất đai năm 2024 thu hẹp trường hợp thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
- Phóng viên: Luật Đất đai năm 2024 có tác động như thế nào đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn Kiên Giang?
- Đồng chí Phùng Quốc Bình: Luật Đất đai năm 2024 có rất nhiều điểm đổi mới. Điều này không chỉ tác động đến người dân, doanh nghiệp mà còn tác động rất lớn đến công tác quản lý đất đai của các địa phương trên cả nước nói chung và Kiên Giang nói riêng. Nhìn chung Luật Đất đai năm 2024 góp phần đưa công tác quản lý đất đai tỉnh đi vào nề nếp, khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường của tỉnh trong thời gian tới. Một số tác động có thể kể đến như sau: Thứ nhất, về quy hoạch được quy định chặt chẽ hơn, chất lượng được nâng lên, công tác định hướng dự báo tốt hơn, mang tính khả thi, hiệu quả khi triển khai thực hiện quy hoạch. Điều này giúp công tác quản lý nhà nước về đất đai theo pháp luật và quy hoạch được tốt hơn.
Thứ hai, luật đã giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai; giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất. Đây là tháo gỡ lớn nhất đối với những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo pháp luật trong thời gian qua, từ đó giúp công tác quản lý đất đai được hiệu quả hơn.
Thứ ba, luật đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền như chuyển thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng cho HĐND tỉnh; giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể đối với hộ gia đình, cá nhân cho chủ tịch UBND cấp huyện; tăng thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp huyện không phân biệt đối tượng sử dụng đất là tổ chức, cá nhân. Điều này tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý đất đai trên địa bàn, giúp công tác quản lý về đất đai được thuận lợi, tránh ùn ứ, kéo dài công việc.
Thứ tư, quyền của người sử dụng đất được nâng lên, quy định rõ ràng, cụ thể hơn, giúp thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, tránh bất cập, vướng mắc, giảm việc khiếu nại, khiếu kiện của người dân.
- Phóng viên: Kiên Giang có kế hoạch triển khai Luật Đất đai năm 2024 như thế nào để đưa luật vào đời sống?
- Đồng chí Phùng Quốc Bình: Để sớm đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào cuộc sống, trên tinh thần chủ động, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 148/KH-UBND, ngày 10-5-2024 tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Kế hoạch đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành và địa phương trong việc tổ chức triển khai, thi hành Luật Đất đai, сụ thể là tập trung vào một số nội dung trọng tâm như sau: (1) Tham mưu Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 như xây dựng nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, chỉ thị của UBND tỉnh triển khai thi hành Luật Đất đai.
(2) Tổ chức hội nghị cấp tỉnh để triển khai, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành với thành phần gồm các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đến ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; cộng đồng doanh nghiệp.
(3) Giao UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn triển khai, quán triệt Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các khu phố, xóm, ấp, tổ dân phố và người dân.
(4) Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
(5) Đăng tải thông tin liên quan Luật Đất đai năm 2024 trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.
(6) Trong phạm vi của ngành tài nguyên và môi trường, sở đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai, quán triệt trong toàn ngành theo từng chuyên đề cụ thể.
(7) Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã tiến hành các bước công việc như xin chủ trương, dự thảo văn bản, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, đối tượng tác động đối với 14 nội dung thuộc chức năng, nhiệm vụ tham mưu của sở mà Luật Đất đai giao cho HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nghị quyết, quyết định quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Kiên Giang tích cực huy động các nguồn lực chăm lo cho người dân đón tết; chuẩn bị chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa mừng xuân Ất Tỵ năm 2025 tại TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc, TP. Hà Tiên và huyện Tân Hiệp. Chuyên mục “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” kỳ này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sáu và Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang Huỳnh Tấn Phi trả lời một số vấn đề người dân quan tâm trong công tác chăm lo tết.
Tổng số lượt truy cập: