11/06/2024 16:38
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Ngô Kiều Quyên.
- Phóng viên: Đồng chí cho biết một số nội dung chính của Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2030?
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Ngô Kiều Quyên: Đề án phát triển nguồn nhân lực là một trong những chủ trương lớn, là 1 trong 3 khâu đột phá theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Đề án được UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành thực hiện nhằm phù hợp mục tiêu, định hướng của quy hoạch tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đề án được HĐND tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết 187/NQ-HĐND làm cơ sở để UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể hóa, thực hiện cho các năm còn lại của nhiệm kỳ 2021-2025 và lộ trình thực hiện tiếp theo đến năm 2030 cũng như định hướng, xác định tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quan điểm đề án, việc phát triển nguồn nhân lực phải cân đối, hài hòa về cơ cấu giữa các ngành, nghề, gắn chặt với 3 khâu: Đào tạo, sử dụng và đãi ngộ; tạo môi trường thuận lợi để thu hút, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị và sử dụng người lao động của toàn xã hội. Mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng suất lao động, kỹ năng và văn hóa làm việc chuyên nghiệp, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực kinh tế biển, du lịch, phát triển công nghiệp, kinh tế nông - ngư nghiệp và chuyển đổi số; trong đó tập trung:
Một là, xây dựng nguồn nhân lực làm việc trong hệ thống cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, đảm bảo nhân sự vận hành chính quyền năng động, quyết đoán, đáp ứng được mục tiêu phát triển của tỉnh đề ra.
Hai là, xây dựng hệ thống cơ sở đào tạo người lao động phù hợp với cơ cấu lao động theo sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với cơ chế đặc thù vượt trội làm việc tại TP. Phú Quốc và các cực phát triển trọng tâm của tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2050, nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng sự phát triển của tỉnh về số lượng và chất lượng, gắn với hình ảnh người lao động chuyên nghiệp, năng suất và trình độ cao trong các ngành kinh tế trọng điểm.
- Phóng viên: Định hướng phát triển nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2021-2030?
- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Ngô Kiều Quyên: Có thể khái quát 2 nhóm lớn như sau: Về phương hướng phát triển nguồn nhân lực khối nhà nước, đối với cán bộ, công chức đang trong giai đoạn thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và lộ trình cải cách tiền lương theo mục tiêu Kế hoạch 102-KH/TU, ngày 30-11-2022 của Tỉnh ủy, giai đoạn 2022-2026 như sau:
Một số chỉ tiêu đặt ra như số lượng cán bộ, công chức dự kiến giảm còn 28.000 người; trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức trình độ đại học trở lên đạt 90%; trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 70%; tỷ lệ cán bộ có bằng cấp và chứng chỉ tin học đạt 92,5% để định hướng tốt và có khả năng vận dụng chuyển đổi số. Tỷ lệ cán bộ trẻ có độ tuổi từ 40 trở xuống đạt 30%; tỷ lệ cán bộ nữ đạt 40%. Đào tạo và tuyển dụng mới thay thế cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu dự kiến 300 chỉ tiêu.
Đặc biệt, cán bộ, viên chức ngành y tế tối thiểu đạt 6.000 người, trong đó có 2.200 bác sĩ, hướng đến chỉ tiêu đạt 11,9 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030. Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh phấn đấu mỗi đơn vị có từ 3-5 tiến sĩ, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt 10 tiến sĩ.
Cán bộ, viên chức ngành giáo dục và đào tạo đạt trên 22.500 người, trong đó phấn đấu số lượng viên chức có học vị tiến sĩ đạt tối thiểu 60 người, học vị thạc sĩ 1.250 người.
Đề án định hướng phát triển viên chức trong khối ngành khoa học, công nghệ đạt trên 1.500 người, đào tạo mới và bổ sung khoảng 200 cán bộ, công chức, viên chức, nâng tổng số cán bộ, công chức, viên chức ngành khoa học, công nghệ trên địa bàn đạt khoảng 8,37 người/vạn dân. Ưu tiên các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, khoa học về vật liệu xây dựng… và phát triển cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí dự kiến đạt 500 người.
Về phương hướng phát triển nguồn nhân lực ngoài nhà nước: Theo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực trong 3 khu vực là ngành nông, lâm, thủy sản đào tạo mới trình độ sơ cấp 29.005 người; trung cấp nghề 2.940 người; cao đẳng nghề 2.314 người; đại học trở lên 2.438 người, trong đó, tiến sĩ 15 người, tập trung vào các ngành kinh tế biển, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao…
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất giày của Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang.
Ngành công nghiệp, xây dựng đào tạo mới trình độ sơ cấp 84.243 người; trung cấp nghề 9.363 người; cao đẳng nghề 8.115 người; trình độ đại học trở lên 15.450 người; tập trung vào các ngành có tiềm năng, thế mạnh như công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp may mặc, xây dựng, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ…
Ngành du lịch, thương mại, dịch vụ đào tạo mới trình độ sơ cấp 39.850 người; trung cấp nghề 15.021 người; cao đẳng nghề 9.270 người; đại học trở lên 7.280 người; trong đó, tiến sĩ 39 người, tập trung vào các ngành có lợi thế, tiềm năng như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ vận tải và logistics…
- Phóng viên: Một số chính sách thu hút nhân tài của tỉnh và Kiên Giang tập trung thu hút nguồn nhân lực trong những ngành, lĩnh vực nào?
- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Ngô Kiều Quyên: Xác định quan điểm chủ đạo trong chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh luôn lấy yếu tố nguồn nhân lực, các chính sách phát triển nguồn nhân lực mang tính khác biệt, đặc thù trong phạm vi cho phép từ Trung ương để huy động tối đa nguồn lực nội bộ và phát huy các cơ hội, các nguồn lực bên ngoài để phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Dự báo số nhân tài và người có năng lực đặc biệt cần thu hút đến năm 2030 là trên 1.500 người, tập trung vào các ngành: Y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, thông tin, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí và các hoạt động hành chính nhà nước.
Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất giày của Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang.
Các nhân tài được tập trung thu hút là các chuyên gia, nhà khoa học, học sinh, sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc, có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, đạt giải thưởng quốc gia và người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, nghệ thuật, vui chơi, giải trí. Đề án nghiên cứu chính sách thu hút nhân tài, người có tài năng đặc biệt tập trung vào 2 nhóm:
Thứ nhất, nhóm chính sách thu hút nhân tài làm việc toàn thời gian trên địa bàn tỉnh, gồm: Chính sách hỗ trợ, trợ cấp ban đầu, chính sách tiền lương và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng; chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực trí tuệ và phát triển công nghệ; chính sách hỗ trợ về nhà ở, phương tiện đi lại; đầu tư cơ sở vật chất và tạo môi trường làm việc; xây dựng không gian kết nối, giao lưu, đối thoại và tôn vinh.
Thứ hai, nhóm chính sách liên kết, sử dụng nhân tài thuộc các trường, viện, các đơn vị hoặc cá nhân ngoài tỉnh; xây dựng chương trình liên kết với các trường, viện có quy mô và thương hiệu lớn theo chủ đề nghiên cứu cho tỉnh và các tổ chức có chức năng nghiên cứu, đào tạo uy tín, có thương hiệu trong và ngoài nước khác. Trong đó, lựa chọn một đơn vị liên kết chủ đạo thực hiện vai trò nghiên cứu, tư vấn, tham mưu chính sách phát triển cho tỉnh. Các chương trình liên kết định hướng nghiên cứu tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của tỉnh.
- Phóng viên: Giải pháp để đạt mục tiêu, định hướng đề ra?
- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang Ngô Kiều Quyên: Để đạt được mục tiêu cũng như định hướng đã đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.
Một là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, trong đó tập trung đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới công tác đào tạo theo hướng đào tạo kiến thức gắn với thực hành, theo địa chỉ sử dụng, đào tạo theo nhu cầu, liên kết đào tạo với doanh nghiệp, trao quyền tự chủ đào tạo, tự chủ liên kết cho các cơ sở đào tạo trong việc liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, sử dụng tài sản công và phát huy nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh…
Hai là, giải pháp đào tạo, thực hiện tốt công tác dự báo và xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung nguồn dữ liệu về lực lượng lao động, việc làm; thực hiện tốt công tác định hướng, phân luồng học sinh; nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai các mô hình đào tạo phù hợp với đặc điểm người lao động địa phương theo định hướng các ngành trọng điểm và các hướng đột phá của tỉnh. Ưu tiên nhóm ngành, nghề gắn với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân…
Ba là, giải pháp thu hút, xây dựng môi trường, điều kiện làm việc tiên tiến, hiện đại, dân chủ gắn với đãi ngộ thỏa đáng để người lao động yên tâm công tác, phát triển và cống hiến.
Bốn là, tăng cường liên kết trong và ngoài tỉnh, khu vực và hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Đối với các nhóm chính sách đề ra, UBND tỉnh sẽ giao việc xây dựng các chính sách cụ thể cho từng sở, ngành chủ động tham mưu, đề xuất sát với tình hình thực tiễn từng thời điểm và khả năng nguồn lực tài chính đáp ứng. Điều đó đảm bảo các chính sách được xây dựng sẽ cụ thể, sát thực tế và việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao hơn.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Ngày 1-3-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện quy chế tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo hình thức phi địa giới hành chính tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc. Với mục tiêu chuyển đổi từ tư duy cấp phép sang tư duy phục vụ, quy chế này cho phép người dân nộp và nhận hồ sơ đất đai mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi trong đi lại.
Tổng số lượt truy cập: