07/03/2025 09:52
- Phóng viên: Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm được xã hội quan tâm và kỳ vọng về môi trường học tập lành mạnh, đồng chí nhận định như thế nào về thông tư?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có 4 chương, 18 điều và chính thức có hiệu lực từ ngày 14-2-2025. Thông tư được ban hành đáp ứng sự kỳ vọng của phụ huynh, ngành giáo dục và đào tạo, tạo cơ chế cho các cấp quản lý giáo dục từ tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm đúng quy định; quản lý được tình trạng dạy thêm, học thêm. Người học có nhu cầu học thêm sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Xã hội và phụ huynh ủng hộ, thông tư hướng đến xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực (TP. Phú Quốc) dạy môn hoạt động giáo dục cho lớp 2/3 của trường. Ảnh: TÂY HỒ
- Phóng viên: Những điểm mới, nổi bật của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, thưa đồng chí?
- Đồng chí Huỳnh Văn Hóa: Thứ nhất, Điều 4 của thông tư nêu các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm như sau: Không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên dạy học tại các trường học không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm ngoài trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Thứ hai, khoản 1, Điều 5 nêu việc dạy thêm, học thêm trong trường học không được thu tiền của học sinh bao gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của trường.
Thứ ba, giáo viên dạy thêm ngoài trường học phải đăng ký kinh doanh và không được dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa. Giáo viên dạy thêm ngoài trường học phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục. Dạy thêm thu tiền phải đóng thuế.
- Phóng viên: Để quản lý dạy thêm, học thêm hiệu quả hơn trong thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có giải pháp như thế nào?
- Đồng chí Ông Huỳnh Văn Hóa: Là cơ quan chuyên môn, tham mưu UBND tỉnh quản lý sự nghiệp giáo dục trên phạm vi toàn tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Ngành giáo dục và đào tạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong toàn ngành về quy định dạy thêm, học thêm; tổ chức cho giáo viên ký cam kết không dạy thêm không đúng quy định, có thể đưa nội dung vào bình xét thực hiện nhiệm vụ và thi đua, khen thưởng cuối năm; thường xuyên tham mưu các cấp lãnh đạo, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương để có sự lãnh đạo, sơ kết, tổng kết, báo cáo, đánh giá việc thực hiện kịp thời.
Theo mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hình thành phẩm chất, năng lực, trang bị cho người học khả năng tự học, thực hiện học tập suốt đời, đổi mới đánh giá người học, đổi mới kiểm tra, thi cử theo hướng đánh giá sản phẩm, hoạt động…, không đặt nặng điểm số. Khi đạt đến mục tiêu này, người học sẽ có khả năng tự giải quyết yêu cầu cần đạt của việc học tập. Trước mắt, sở sẽ triển khai quán triệt, thực hiện tốt Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT và quy định của UBND tỉnh về quản lý dạy thêm, học thêm.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện
(KGO) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Trung Hồ chỉ đạo Ban Biên tập chuyên mục “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” chú trọng đánh giá hiệu ứng xã hội để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân; đảm bảo thông tin đúng quy định, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin của xã hội.
Tổng số lượt truy cập: