17/02/2025 09:35
Theo dự báo của cơ quan khí tượng, thủy văn, năm 2025 thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, nhất là mực nước đầu nguồn suy giảm nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2024, trong đó lưu lượng dòng chảy từ sông MeKong và Biển Hồ suy giảm trong tháng 1 đến tháng 3-2025, với mức từ 10-15% và diễn biến suy giảm tiếp tục đến tháng 4, tháng 5 từ 5-10% nữa, sau đó đến tháng 7-2025 mới ổn định trở lại.
Mưa năm nay dứt rất sớm. Trong tháng 11-2024 đã dứt mưa và từ tháng 12-2024 đến tháng 1-2025 chỉ có những cơn mưa rào với lưu lượng rất thấp. Cùng với đó, thời tiết khô hạn đang diễn biến hết sức phức tạp. Từ tháng 12-2024 đến tháng 1-2025 bắt đầu có hiện tượng nắng nóng gay gắt làm mất nguồn nước. Tình hình diễn biến phức tạp nhất từ tháng 2 đến tháng 4-2025.
Một góc Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang)
Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long nhấn mạnh thời tiết diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến nước sinh hoạt, sản xuất; mặn xâm nhập và nguy cơ cháy rừng rất cao đối với các tỉnh. Qua đánh giá, rà soát của ngành chuyên môn, Kiên Giang có khoảng 41.000ha rừng được đánh giá cấp nguy cơ cháy cao.
Hiện TP. Phú Quốc là một trong những địa bàn có nguy cơ cực kỳ nguy hiểm, cấp 5. Cấp 4 - cấp nguy cơ cao hiện nay nằm trên địa bàn một số huyện đất liền như Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh. Các địa bàn còn lại có rừng trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm nguy cơ.
- Phóng viên: Thách thức chính mà Kiên Giang đang đối mặt trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2024-2025 là gì? Chúng ta sẽ có những giải pháp nào tại hai Vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc?
- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Thứ nhất là việc suy giảm lượng nước đầu nguồn và nguồn nước nội đồng đang gây nguy cơ cạn kiệt các kênh, mương, cống, trạm bơm trữ nước các khu vực ứng phó với cháy rừng. Đây là một trong những thách thức lớn nhất của tỉnh trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thứ hai là cơ sở hạ tầng phục vụ phòng cháy, chữa cháy của các chủ rừng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Tuy rằng bước đầu đã ứng dụng được công nghệ như sử dụng flycam trong việc quan sát rừng hàng ngày và công tác phòng cháy, nhưng việc ứng dụng chưa nhiều, chưa rộng khắp trên địa bàn, chưa đầu tư nhiều camera quan sát tầm nhiệt để phòng tránh cháy rừng ngay từ đầu.
Thứ ba là việc tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng, người dân sống ven rừng.
Thứ tư, đối với lực lượng, thiết bị, dụng cụ, phương tiện trong phòng, chống cháy rừng vẫn còn hạn chế. Đây là 4 thách thức nổi lên cho công tác phòng, chống cháy rừng.
Riêng đối với 2 vườn quốc gia thuộc tỉnh thì ngay từ trước và trong tết, ngành đã thành lập các đoàn đi kiểm tra. Vườn quốc gia U Minh Thượng triển khai các biện pháp, giải pháp khá đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu. Vườn quốc gia Phú Quốc có nguy cơ cháy rất cao. Qua trao đổi, làm việc thấy rõ sự chủ động triển khai phương án và triển khai các nhiệm vụ. Tuy nhiên, mùa khô năm nay trên địa bàn Phú Quốc diễn biến rất phức tạp. Lực lượng chức năng đã tổ chức các biện pháp tuần tra, kiểm tra các chòi canh.
- Phóng viên: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang có những giải pháp căn cơ gì để đáp ứng tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh?
- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh có đề xuất một số giải pháp đối với các chủ rừng, cơ quan quản lý nhất là các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh.
Thứ nhất là triển khai ngay phương án UBND tỉnh đã phê duyệt cho các chủ rừng, nhất là phải đảm bảo nguồn nước cho công tác phòng, chống cháy rừng.
Thứ hai là tuyên truyền ở các điểm mà ngành xác định là các điểm xung yếu. Ngành đã đến từng nhà người dân sống ven rừng yêu cầu ký cam kết về việc sử dụng lửa, đốt đồng, đốt ong, săn bắt trong các khu vực gần rừng…
Thứ ba, ngành xác định các địa điểm xung yếu và điều này hết sức quan trọng. Do đó, ngành có giải pháp xác định các vùng, địa điểm xung yếu ngay từ đầu để tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên.
Thứ tư là yêu cầu các chủ rừng thường xuyên trực, đặc biệt là các chốt canh, có phân kỳ, lịch trực, con người cụ thể, phải kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Thứ năm là phân bổ các nguồn lực đầu tư. Năm nay dự kiến tỉnh phân bổ trên 17 tỷ đồng cho tất cả các chủ rừng để đầu tư thiết bị, dụng cụ, phương tiện để chủ động phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cuối cùng là đề nghị các chủ rừng có ngay phương án thích ứng với việc phòng cháy, chữa cháy rừng; có những buổi tập và luyện tập cho việc phòng cháy và chủ động ngay khi xảy ra các tình huống.
Hệ thống cống Cái Lớn đang vận hành để ngăn các đợt triều cường trong tháng 2-2025.
- Phóng viên: Bên cạnh công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tỉnh Kiên Giang có những dự báo gì về tình hình hạn hán, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh? Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh có những giải pháp gì để ứng phó cũng như khuyến cáo người dân?
- Đồng chí Lê Hữu Toàn: Mùa khô 2025 có thể nói diễn biến hết sức phức tạp, ngay từ tháng 1-2025 tỉnh phải vận hành các cống thay vì như mọi năm từ tháng 3, tháng 4 để ngăn các đợt triều cường. Hiện tỉnh còn tiếp tục vận hành các cống trong tháng 2 vì sẽ có thêm 2 đợt mặn xâm nhập ở mức độ cao nữa. Đợt mặn xâm nhập năm nay sẽ xuyên suốt tháng 3, tháng 4 và giảm dần vào tháng 5. Do đó, ngành chuyên môn đề ra giải pháp thực hiện sau:
Thứ nhất là sử dụng giải pháp công trình. Tỉnh có thông báo và sẽ vận hành toàn bộ hệ thống cống kết hợp với hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để vận hành cắt đỉnh triều ngăn mặn vào hai đợt trong tháng 2-2025. Qua đợt tháng 2, từ tháng 3, tháng 4 là vận hành 24/24 giờ toàn bộ hệ thống cống trên địa bàn tỉnh, kết hợp với hệ thống cống Cái Lớn, cống Cái Bé. Một mặt vận hành để ngăn mặn, tránh mặn xâm nhập vào nội đồng, một mặt trữ ngọt cho các vùng sản xuất cũng như cho các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ổn định nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Thứ hai là giải pháp phi công trình, đã triển khai, đẩy nhanh sớm hơn lịch mùa vụ. Đối với vùng sản xuất thường xuyên bị mặn xâm nhập của tỉnh khoảng 78.000ha đến thời điểm này đã thu hoạch xong. Hiện nay lúa đông xuân còn trên đồng khoảng 260.000ha, như vậy diện tích này sẽ rơi ngay mùa mặn. Ngành đã vận hành các công trình kết hợp với yêu cầu người dân khi cấp nước vào ruộng sản xuất phải kiểm tra chất lượng nguồn nước, nhất là độ mặn.
Thứ ba là ngành trao đổi với các địa phương chủ động rà soát việc cấp nước sinh hoạt cho người dân để linh hoạt điều chỉnh giải pháp cấp nước.
Thứ tư là ngành chuyên môn có hướng dẫn, nhất là đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn các địa phương và trao đổi với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa bàn, hướng dẫn thường xuyên giải pháp canh tác trong điều kiện thiếu nước ngọt, ảnh hưởng của mặn xâm nhập; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền để địa phương và người dân chủ động ứng phó.
Mong muốn lớn nhất của ngành là người dân hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất, cấp nước vào ruộng phải chủ động kiểm tra xem việc sản xuất là tài sản; chủ động bảo vệ tài sản. Ngành chuyên môn sẽ hỗ trợ tối đa về phương tiện, lực lượng giúp nhân dân vượt qua mùa hạn năm 2025 với thắng lợi cao nhất.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện
(KGO) - Chuyên mục “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” tỉnh Kiên Giang do Báo Kiên Giang và Đài Phát thanh - Truyền hình Kiên Giang thực hiện sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân trong quý I-2025 với 9 kỳ phát sóng và đăng tải.
Tổng số lượt truy cập: