09/09/2024 10:53
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hồ Văn Dũng.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hồ Văn Dũng cho biết tình hình bệnh truyền nhiễm tính đến tháng 8-2024 nhìn chung diễn biến theo chu kỳ dịch tễ, không có nhiều biến động. Các bệnh truyền nhiễm tại địa phương như sốt xuất huyết 494 ca, giảm 68,4%, tay chân miệng 403 ca, giảm 71,2% so cùng kỳ năm 2023 và trung bình 5 năm. Tình hình bệnh tay chân miệng năm nay theo chu kỳ dịch tễ, số ca nặng do chủng Enteroviruts71 (EV71) hiếm xảy ra. Bệnh thương hàn, thủy đậu đều giảm so với cùng kỳ năm 2023. Riêng các bệnh dại tăng 1 ca, viêm gan B, viêm gan do virus khác, đậu mùa khỉ đều tăng so với cùng kỳ. Các bệnh truyền nhiễm nhóm A nguy hiểm khác chưa ghi nhận trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với bệnh sởi ghi nhận 292 ca sốt phát ban nghi sởi (tính đến ngày 25-8-2024), trong đó có 174 ca có xét nghiệm dương tính với virus sởi. Ghi nhận cụ thể tại các thành phố Phú Quốc, Hà Tiên, Rạch Giá lần lượt là 129, 4 và 9 trường hợp; tại các huyện An Minh 11 trường hợp, Châu Thành 6 trường hợp, Vĩnh Thuận 3 trường hợp, Hòn Đất 4 trường hợp; các huyện Kiên Lương, U Minh Thượng, Giồng Riềng, Tân Hiệp, An Biên mỗi huyện 1 trường hợp.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cấp phát thuốc cho người dân.
- Phóng viên: Ngành y tế chỉ đạo như thế nào trong công tác phòng và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh?
- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hồ Văn Dũng: Về công tác phòng chống dịch bệnh, sở tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh về các phương pháp cũng như giải pháp triển khai thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2024. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch để triển khai đồng bộ phương pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, dại, các bệnh truyền nhiễm mới nổi, sởi... trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh sẽ chủ động trong công tác mua sắm vật tư, hóa chất trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động nguồn nhân lực, vật lực; kịp thời triển khai thực địa khi có diễn biến có ca mắc và có chiều hướng gia tăng tại cộng đồng, khống chế các ổ dịch, kịp thời không để lây lan tại cộng đồng. Sở Y tế đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đến người dân về tầm quan trọng của việc phòng bệnh và công tác tiêm vaccine phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có vaccine, vệ sinh môi trường sống, bàn tay sạch, vệ sinh nhà cửa và bề mặt tiếp xúc, các dấu hiệu nhận biết triệu chứng bệnh; kịp thời đến cơ sở y tế khám và điều trị. Công tác phối hợp liên ngành được chú trọng, sử dụng và huy động nguồn lực tại địa phương và các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng.
Về công tác điều trị, đối với các cơ sở y tế thì cần tập huấn lại các phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế; chuẩn bị tốt việc thu dung, điều trị, đảm bảo thuốc, cơ số phòng, chống dịch; thực hiện phân loại, phân tuyến điều trị, tránh quá tải và hạn chế tử vong; chuyển tuyến kịp tời những trường hợp nặng, hạn chế tối đa nguy cơ chuyển nặng và tử vong cho người bệnh… Sở sẽ cử các đoàn công tác hỗ trợ tuyến dưới trong điều trị tại các trung tâm y tế tuyến huyện; nâng cao năng lực cho tuyến cơ sở trong khám và điều trị sốt xuất huyết và tay chân miệng. Tăng cường hệ thống kết nối tuyến trên với tuyến dưới đối với những trường hợp nặng...
Điều dưỡng viên đang chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.
- Phóng viên: Ông nhận định gì về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới và Sở Y tế sẽ triển khai các biện pháp phòng, chống như thế nào trong toàn tỉnh?
- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hồ Văn Dũng: Tình hình các bệnh truyền nhiễm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa tình trạng sốt xuất huyết gia tăng theo chu kỳ dịch tễ. Vào năm học mới khi trẻ đến trường thì khả năng lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm trong lớp học có thể xảy ra.
Tình hình các bệnh truyền nhiễm mới nổi có thể xâm nhập vào cộng đồng qua đường biên giới và các địa phương có khách du lịch nhiều. Các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh có thể bùng phát trở lại sau thời gian bị gián đoạn tiêm vaccine do dịch COVID-19 và tình trang thiếu vaccine cục bộ trong thời gian qua như sởi, ho gà, bạch hầu...
Về giải pháp có mấy vấn đề sau: Một là, Sở Y tế theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch ứng phó, phương án phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả tối đa; cập nhật đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn.
Hai là, Sở Y tế tham mưu chính quyền các cấp tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, huy động nguồn lực cho các hoạt động can thiệp phòng, chống bệnh như sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết Dengue kịp thời.
Ba là, xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Giáo dục và Sở Y tế trong công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học, báo cáo các trường hợp mắc hoặc nghi mắc, triển khai các biện pháp xử lý kịp thời. Phối hợp với lực lượng thú y trong công tác giám sát dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Bốn là, nâng cao năng lực giám sát dịch tễ; triển khai đồng bộ giám sát trọng điểm và giám sát thường xuyên; tăng cường năng lực, ứng dụng khoa học, công nghệ trong giám sát, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh.
Năm là, Sở Y tế sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương tiến hành xử lý khử khuẩn; cấp phát, hướng dẫn sử dụng hóa chất cho các trường học, đặc biệt tại các thời điểm nhập học trở lại sau khoảng nghỉ dài như nghỉ lễ, nghỉ hè...; tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh thực hiện công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng bệnh truyền nhiễm.
Sáu là, tổ chức tập huấn, đào tạo cho cán bộ phụ trách công tác phòng, chống dịch tuyến huyện, tuyến xã về các hoạt động, các quy trình phòng, chống bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết Dengue.
Bảy là, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, đoàn thể, chính trị - xã hội… tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống sốt xuất huyết tại các điểm nóng của tỉnh như TP. Rạch Giá, TP. Phú Quốc và huyện Châu Thành.
Tám là, đẩy mạnh truyền thông phòng, chống dịch bệnh với nhiều hình thức khác nhau như trên phương tiện thông tin đại chúng, các nơi tập trung đông người, trường học, các lễ hội, phát tờ rơi, treo băng rôn…
- Phóng viên: Tình hình thuốc, vật tư y tế hiện nay như thế nào? Ngành y tế tỉnh có những giải pháp gì cho vấn đề này?
- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Hồ Văn Dũng: Hiện nay Sở Y tế đã hoàn tất công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế tập trung của tỉnh giai đoạn 2023-2025, theo đó lựa chọn được nhà thầu cung cấp đối với 2.589 thuốc (bao gồm thuốc hóa dược và thuốc từ dược liệu) và 1.332 vật tư yế (bao gồm vật tư y tế kỹ thuật cao và thông thường). Tuy nhiên, vẫn còn số lượng nhỏ mặt hàng thuốc, vật tư y tế không lựa chọn được nhà thầu. Với kết quả này, các cơ sở y tế đang thực hiện mua sắm thuốc, vật tư y tế và sinh phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân toàn tỉnh.
Về giải pháp thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thực hiện tốt công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, tập trung thực hiện các giải pháp sau: Một là, Sở Y tế tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện mua thuốc, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm theo các kết quả lựa chọn thầu tập trung cấp quốc gia, địa phương còn hiệu lực để đảm bảo cung ứng phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh; cần giải thích rõ với người bệnh tham gia bảo hiểm y tế về việc sử dụng thuốc, vật tư y tế phải tuân theo quy định về phân tuyến.
Hai là, theo dõi sát tình hình sử dụng thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế để chủ động điều tiết giữa các cơ sở y tế.
Ba là, Sở Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm mua sắm tập trung trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để làm cơ sở tổ chức đấu thầu, mua sắm theo quy định hiện hành.
Bốn là, Sở Y tế xây dựng quy chế phối hợp thực hiện quy trình đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất trên địa bàn Kiên Giang.
Năm là, Sở Y tế hướng dẫn các đơn vị chủ động tổ chức mua sắm thuốc, vật tư y tế theo phân cấp thẩm quyền nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời cho công tác khám chữa bệnh.
Sáu là, kiện toàn các bộ phận tham gia công tác đấu thầu, mua sắm; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến đấu thầu, mua sắm.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cung ứng thuốc khi có kết quả trúng thầu.
- Phóng viên: Cảm ơn ông!
TÂY HỒ thực hiện
(KGO) - Ngày 1-3-2024, Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện quy chế tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính theo hình thức phi địa giới hành chính tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc. Với mục tiêu chuyển đổi từ tư duy cấp phép sang tư duy phục vụ, quy chế này cho phép người dân nộp và nhận hồ sơ đất đai mà không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi trong đi lại.
Tổng số lượt truy cập: