21/01/2024 15:49
Công ty Công nghệ OpenAI của Mỹ mới đây đã xóa tài khoản của một nhà phát triển bot trí tuệ nhân tạo (AI) giả mạo nghị sĩ Dean Phillips, ứng cử viên sáng giá của đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay.
Đây là hành động cụ thể đầu tiên của OpenAI - nhà phát triển chatbot ChatGPT - nhằm thực hiện cam kết giải quyết nỗi lo AI can thiệp các cuộc bầu cử.
Tờ Washington Post ngày 20-1 dẫn lời người phát ngôn của OpenAI cho biết: “Gần đây chúng tôi đã xóa tài khoản của một nhà phát triển bot AI có hành vi cố ý vi phạm chính sách sử dụng API (giao diện lập trình ứng dụng) của công ty vốn cấm việc vận động chính trị hoặc mạo danh một cá nhân mà không có sự đồng ý”.
Biểu tượng OpenAI trên màn hình điện thoại di động. Ảnh: TTXVN
Bot AI có tên Dean.Bot - dựa trên ChatGPT của OpenAI, do 2 doanh nhân ở thung lũng Silicon gồm Matt Krisiloff và Jed Somers tạo ra.
Các doanh nhân này đã thành lập một ủy ban hành động chính trị có tên We Deserve Better (tạm dịch: Chúng ta xứng đáng những điều tốt hơn) nhằm kêu gọi ủng hộ nghị sỹ Dean Phillips trước thềm cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire ngày 23-1 tới
Ủy ban đã vận động được 1 triệu USD từ tỷ phú đầu cơ Bill Ackman để ủng hộ ông Phillips chạy đua vào Nhà Trắng. Đây được cho là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của tỷ phú Ackman cho nỗ lực tranh cử của một ứng cử viên Tổng thống Mỹ.
We Deserve Better đã ký hợp đồng với công ty khởi nghiệp AI Delphi để xây dựng Dean.Bot.
Ngày 19-1, OpenAI đã xóa tài khoản của Delphi với lý do các quy tắc của OpenAI cấm sử dụng công nghệ AI của công ty trong các chiến dịch vận động tranh cử.
Delphi đã gỡ bỏ Dean.Bot sau khi tài khoản OpenAI của công ty “bay màu”. Hiện ủy ban We Deserve Better chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Vấn đề sử dụng AI can thiệp vào các cuộc bầu cử đã trở thành mối lo ngại kể từ khi OpenAI phát hành 2 sản phẩm bao gồm ChatGPT có thể tạo văn bản giống như con người và công nghệ DALL-E tạo ra “deepfake” (kỹ thuật sử dụng AI để tạo ra âm thanh, hình ảnh và video giả mạo).
Ngày 15-1, OpenAI cho biết sẽ giải quyết những lo ngại rằng công nghệ của công ty sẽ bị lạm dụng để can thiệp vào các cuộc bầu cử, trong bối cảnh hơn 30% dân số thế giới sẽ đi bỏ phiếu trong năm 2024.
Theo TTXVN
(KGO) - Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) đã quyết định phạt WhatsApp 25,4 triệu USD do vi phạm các quy định về cạnh tranh liên quan chính sách bảo mật gây tranh cãi của ứng dụng này vào năm 2021.
Tổng số lượt truy cập: