14/09/2023 08:53
Chính phủ Mỹ ngày 12-9 đã cáo buộc Google chi trả 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các tập đoàn khác để bảo vệ vị thế độc quyền của công ty công nghệ này đối với mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến. Cáo buộc này đưa ra đúng vào ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ kiện nhằm vào Google.
Trong các đơn kiện riêng biệt, Bộ Tư pháp Mỹ và hãng chục bang của Mỹ cáo buộc Google vào năm 2020 có hành vi lạm dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến, cản trở cạnh tranh bằng cách thoả thuận với các nhà mạng viễn thông và các hãng sản xuất điện thoại thông minh để đưa Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định hoặc duy nhất trên các sản phẩm được sử dụng bởi hàng triệu người tiêu dùng. Các đơn kiện này cuối cùng tập hợp thành một vụ kiện duy nhất.
Biểu tượng Google.
Giới chuyên gia pháp luật miêu tả đây là vụ kiện độc quyền lớn nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ nhằm vào hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft hồi những năm 1990.
Tại phiên tòa, luật sư Kenneth Dintzer thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Google chi trả 10 tỷ USD mỗi năm cho Apple và các công ty khác để đảm bảo Google Search duy trì trạng thái là công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web.
Do đó, các đối thủ khác, nhất là những công ty khởi nghiệp còn non trẻ, không có cơ hội để phát triển cũng như cạnh tranh ở mảng này.
Vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến đã giúp tập đoàn Alphabet, vốn là "công ty mẹ" của Google, trở thành một trong những tập đoàn có doanh thu lớn nhất thế giới. Riêng doanh thu từ quảng cáo trên công cụ tìm kiếm đã chiếm gần 60% tổng doanh thu của Alphabet.
Về phần mình, Google kiên quyết phản đối vụ kiện, khẳng định sự thành công của công cụ tìm kiếm của mình nhờ nâng cao chất lượng và đầu tư quy mô lớn trong nhiều năm qua.
Dự kiến, Thẩm phán Amit P. Mehta sẽ đưa ra phán quyết sau các phiên tòa dự kiến kéo dài khoảng 3 tháng. Thẩm phán Mehta có thể bác bỏ vụ kiện hoặc yêu cầu có hành động khắc phục quyết liệt như dừng các hoạt động kinh doanh của Google hoặc cải tiến cách thức hoạt động của công ty. Dù kết quả thế nào, một trong hai bên có thể kháng cáo, có khả năng kéo dài vụ kiện trong nhiều năm.
Theo VietnamPlus
(KGO) - Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) đã quyết định phạt WhatsApp 25,4 triệu USD do vi phạm các quy định về cạnh tranh liên quan chính sách bảo mật gây tranh cãi của ứng dụng này vào năm 2021.
Tổng số lượt truy cập: