19/02/2024 14:11
Trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thao túng các cuộc bầu cử, một nhóm gồm 20 công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã ký kết một hiệp định nhằm ngăn chặn các nội dung giả mạo về chính trị do AI tạo ra.
Hiệp định trên được công bố tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) ngày 16-2, có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn như Meta, X, Google, OpenAI, Microsoft, TikTok, Snap, Adobe, LinkedIn, Amazon và IBM...
Theo thỏa thuận, các bên liên quan sẽ đưa ra giải pháp để phát hiện, gắn nhãn, kiểm soát hình ảnh, video và âm thanh do AI tạo ra nhằm đánh lừa cử tri.
Nội dung do AI tạo ra có thể được chèn watermark hoặc gắn thẻ ngay từ dữ liệu nguồn, mặc dù các công ty công nghệ thừa nhận rằng "tất cả các giải pháp như vậy đều có những hạn chế".
Hiện Meta, Google và OpenAI đã nhất trí sử dụng một tiêu chuẩn watermark chung cho những hình ảnh do các ứng dụng AI tạo ra, chẳng hạn như ChatGPT của OpenAI, Copilot của Microsoft hoặc Gemini của Google (trước đây là Bard).
Ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta - cho rằng nỗ lực chống tin giả liên quan bầu cử cần có sự đồng lòng chung tay của tất cả các bên, bao gồm cả các nhà phát triển AI cũng như những người dùng thông thường. Theo ông Nick Clegg, việc 20 công ty đăng ký tham gia chương trình này sẽ có tác động rất lớn.
Hiệp định trên được công bố trong bối cảnh quan ngại về nguy cơ AI can thiệp các cuộc bầu cử đang ngày càng gia tăng, khi hơn 30% dân số thế giới sẽ đi bỏ phiếu trong năm 2024.
Các công ty công nghệ đang cùng nhau đối mặt thách thức, với hy vọng rằng sự hợp tác này sẽ đóng góp vào việc giữ gìn tính minh bạch và công bằng trong quá trình bầu cử toàn cầu.
Theo VietnamPlus
(KGO) - Ủy ban Cạnh tranh Ấn Độ (CCI) đã quyết định phạt WhatsApp 25,4 triệu USD do vi phạm các quy định về cạnh tranh liên quan chính sách bảo mật gây tranh cãi của ứng dụng này vào năm 2021.
Tổng số lượt truy cập: