22/01/2021 14:34
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 22-1 đã lên tiếng bác bỏ “đe dọa” của công ty công nghệ Google về việc sẽ ngừng hoạt động cung cấp dịch vụ tìm kiếm (Google Search) tại Australia nếu chính phủ nước này kiên quyết ban hành Bộ quy tắc bắt buộc yêu cầu Google, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác phải trả phí sử dụng tin tức cho các tổ chức truyền thông nội địa.
Phát biểu trước truyền thông ngay sau tuyên bố này của Giám đốc điều hành Google tại Australia và New Zealand Mel Silva, tại phiên điều trần trước Quốc hội Australia, ông Morrison khẳng định Australia sẽ đưa ra các quy tắc của riêng nước này.
Tuyên bố trên của bà Silva đã tạo ra sự “bùng nổ” trên các phương tiện truyền thông ở Australia trong sáng 22-1. Tuyên bố nêu rõ Google mong muốn hợp tác xây dựng một Bộ quy tắc thương lượng tự nguyện giữa các nền tảng mạng xã hội và các hãng truyền thông nội địa.
Ảnh minh họa.
Việc áp đặt một bộ quy tắc bắt buộc là "không thể thực hiện được" với Google do nguyên tắc liên kết không hạn chế giữa các website là yếu tố cơ bản của quá trình tìm kiếm trên Google Search. Việc áp đặt bộ quy tắc này đi kèm với việc không có khả năng kiểm soát tài chính và rủi ro hoạt động.
Google kiến nghị được đàm phán thỏa thuận với các nhà tổ chức tin tức của Australia dựa trên nội dung các thỏa thuận đã được thực hiện tương tự trên thế giới, thông qua hình thức trả phí dựa trên giá trị tin tức, trong đó các hãng truyền thông sẽ chịu trách nhiệm tạo, quản lý nội dung và dòng trạng thái xuất hiện trên bảng tìm kiếm có sẵn tại một số trang dịch vụ của Google.
Cũng theo bà Silva, cách thức giao dịch này đã được Google thực hiện tại 450 địa bàn trên khắp thế giới. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết “vướng mắc” giữa các công ty công nghệ và các hãng truyền thông. Trong tình huống xấu nhất, Google sẽ buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ Google Search đang vận hành tại Australia.
Từ giữa tháng Một, Google đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm việc hạn chế người dùng truy cập các trang tin tức của Australia, trong đó có các tờ báo của hai hãng truyền thông lớn nhất là News Corp và Guardian. Động thái này là một trong số hàng chục nghìn thử nghiệm thường xuyên mà công ty này đang tiến hành để đánh giá tác động lẫn nhau giữa các hãng truyền thông và ứng dụng tìm kiếm trên Google. Dự kiến hoạt động thử nghiệm sẽ kết thúc vào đầu tháng tới.
Trước đó, ngày 19-1, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã gửi một bức thư cho Thượng viện Australia, trong đó kêu gọi nước này tạm ngừng kế hoạch ban hành Bộ quy tắc ứng xử bắt buộc đối với Google và Facebook, đồng thời quay lại việc xây dựng một bộ quy tắc thương lượng tự nguyện trong vấn đề trả phí sử dụng nội dung tin tức của các hãng truyền thông sở tại.
Bức thư của USTR cho rằng dự thảo bộ quy tắc của Australia "được soạn thảo một cách mơ hồ và khó hiểu," và nếu được đưa vào thực hiện có thể gây “hậu quả tiêu cực” cho các công ty của Mỹ và Australia cũng như người tiêu dùng nước này.
Tuy nhiên, trong tuyên bố vào tối 18-1, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg khẳng định chính phủ nước này cam kết triển khai một quy tắc bắt buộc để đạt mục tiêu đề ra là “giải quyết tình trạng mất cân bằng trong quyền thương lượng” giữa các nền tảng kỹ thuật số và các công ty truyền thông.
Ông nhấn mạnh bộ quy tắc này là kết quả của quá trình đánh giá kéo dài 18 tháng của Ủy ban Cạnh tranh và Người Tiêu dùng Australia (ACCC), cũng như các cuộc tham vấn sâu rộng với các bên liên quan, bao gồm cả Google và Facebook.
Nguồn: VietnamPlus
(KGO) - Theo một số nguồn tin, OpenAI đã đàm phán về sản phẩm tìm kiếm với các nhà phát triển trang web và ứng dụng như Conde Nast, Redfin, Eventbrite và Priceline.
Tổng số lượt truy cập: