06/07/2023 15:14
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang triển khai đảm bảo 100% thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4, trong đó có 982 thủ tục hành chính mức độ 4 và 308 thủ tục hành chính mức độ 3. Cơ sở hạ tầng được tỉnh quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ công, phục vụ tốt nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, 100% sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ, kết nối internet. Hoàn thành việc triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang kết nối các sở, ban, ngành và 15 huyện, thành phố và 144 xã, phường, thị trấn.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Kiệm - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, dịch vụ công trực tuyến mang đến nhiều tiện ích cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thay đổi thói quen trực tiếp đến liên hệ cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính đòi hỏi sự kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương.
Công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, doanh nghiệp, biết cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến quan trọng. Nội dung, hình thức tuyên truyền thường xuyên đổi mới, phù hợp đối tượng thụ hưởng tiện ích từ dịch vụ công trực tuyến.
Công chức bộ phận một cửa UBND phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thông tin đến người dân về tiện ích dịch vụ công trực tuyến.
Trong tuyên truyền, các địa phương nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò của dịch vụ công trực tuyến trong cải cách hành chính, triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số và tiện ích mà người dân được thụ hưởng. Cụ thể, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân có nhiều thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian đăng ký, làm các thủ tục hành chính vì có thể giao dịch 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet; theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước; tình trạng một số cán bộ, công chức gây phiền hà nhũng nhiễu cho người dân.
Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển biến tích cực, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến tăng tại các địa phương. Tuy nhiên, tại các huyện, thành phố còn một bộ phận người dân đến bộ phận một cửa để giao dịch các loại giấy tờ hồ sơ theo cách truyền thống. Dù biết đến dịch vụ công trực tuyến nhưng theo quan niệm của nhiều người phải đến nơi làm mới yên tâm. Việc này không chỉ tốn thời gian của tổ chức, công dân đến giao dịch mà còn ảnh hưởng đến thời gian của cán bộ, công chức làm công tác tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa.
Để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung, chỉ đạo quyết liệt bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu về sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên lĩnh vực, ngành, đơn vị. Tỉnh phát huy tối đa vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng trong tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.
UBND các huyện, thành phố quán triệt đến từng công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa tích cực hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến; đẩy mạnh tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều hình thức; tập trung thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: