16/03/2023 09:52
Cẩm nang “Chuyển đổi số” do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng định nghĩa công dân số là người dân được trang bị năng lực số để sống giữa môi trường được số hóa toàn diện.
9 yếu tố cấu thành công dân số gồm khả năng truy cập nguồn thông tin số; khả năng giao tiếp trong môi trường số; kỹ năng số cơ bản; mua bán hàng trên mạng; chuẩn mực đạo đức trong môi trường số; bảo vệ thể chất, tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số; quyền, trách nhiệm trong môi trường số; định danh, xác thực, dữ liệu cá nhân; quyền riêng tư trong môi trường số.
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang Nguyễn Xuân Kiệm, chuyển đổi số không đơn giản là vấn đề của công nghệ mà là quá trình thay đổi của nhận thức, thói quen, quy trình và giải pháp làm việc của con người từ lãnh đạo đến nhân viên, quan trọng hơn là người dân. Quá trình chuyển đổi số hướng đến đối tượng người dùng, phục vụ người dùng, tạo ra tiện ích và mang lại nhiều lợi ích cho người dùng trên nền tảng công nghệ số.
Chuyển đổi số không thể tiến hành thành công nếu như không hình thành được công dân số, do vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; chú trọng phát triển công dân số để họ hưởng lợi ở 3 nhóm dịch vụ chính về giáo dục, y tế, an sinh xã hội.
Người dân huyện Kiên Lương (Kiên Giang) ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang tập trung cùng doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng phục vụ việc phát triển xã hội số. Hạ tầng viễn thông được phát triển đồng bộ đáp ứng tốt yêu cầu về thúc đẩy kết nối thông tin và truyền thông phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Tỉnh có 2.472 vị trí các trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trên địa bàn 15 huyện, thành phố.
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang đưa vào thí điểm triển khai thí điểm mạng di động công nghệ 5G tại một số vị trí tại hai thành phố Phú Quốc, Rạch Giá làm cơ sở để đánh giá, phát triển mạng di động thế hệ mới, từng bước thay thế, dừng phát sóng hệ thống công nghệ thông tin di động thế hệ cũ (mạng 2G); tiếp tục mở rộng vùng phủ mạng dữ liệu di động 3G, 4G góp phần đáp ứng yêu cầu kết nối, nhu cầu thông tin, liên lạc của người dân trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu phát triển xã hội số, kinh tế số tỉnh.
Kiên Giang triển khai xây dựng cổng dữ liệu số dùng chung của tỉnh và thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để thực hiện chia sẻ, tích hợp dữ liệu chuyên ngành của sở, ngành, địa phương phục vụ người dân, tổ chức khi thực hiện giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước.
Kết quả thực hiện triển khai kết nối cơ sở dữ liệu tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gồm các cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, dịch vụ kết nối bưu chính công ích, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, hệ thống tư pháp - hộ tịch, hệ thống lý lịch tư pháp, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực định danh điện tử…
Năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang được UBND tỉnh Kiên Giang ủy quyền ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần VNG khai thác ứng dụng Zalo phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, ứng dụng mạng xã hội Zalo để đưa thông tin, thủ tục hành chính tiếp cận người dân thông qua mạng xã hội Zalo.
Đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng và có tài khoản Zalo 1,2 triệu dân, tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng (có dây và không dây) 65,5%, tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone đạt 80%.
Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai hóa đơn điện tử, chữ ký số tạo thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch, nâng cao chất lượng phục vụ.
Về hạ tầng công nghệ thông tin, Trung tâm dữ liệu tỉnh cung cấp hạ tầng phục vụ vận hành hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang vận hành gồm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu địa phương; nền tảng giám sát an toàn thông tin; cổng dịch vụ công và một cửa điện tử; cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin điện tử thành phần.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: