20/04/2023 13:42
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt được tỉnh Kiên Giang chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán điện tử ngày càng tăng của xã hội. Đến nay, trên địa bàn tỉnh được phủ sóng 4G, hướng đến 5G; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% xã, phường, thị trấn; trên 65% hộ gia đình phủ mạng internet băng rộng cáp quang.
Người dân, doanh nghiệp từng bước nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tích cực ứng dụng công nghệ số vào đời sống, nhất là thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng hoạt động ổn định, thông suốt và được kết nối liên thông giữa các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, đơn vị cung ứng dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi cũng như đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Vấn đề an toàn, an ninh trong thanh toán không dùng tiền mặt được đảm bảo.
Hầu hết các siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Kiên Giang lắp đặt các thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán hoặc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng, thanh toán dịch vụ. Hiện nhiều nhóm dịch vụ công được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử, đem lại thuận tiện cho người dân thanh toán tiền thuế, điện, nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm.
Thanh toán không dùng tiền mặt mang đến nhiều lợi ích cho người dân và xã hội, góp phần thúc đẩy tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến xã hội không dùng tiền mặt. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh là 80%, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử (người dân từ 15 tuổi trở lên) đạt 44,88%.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (bên trái) - Phó trưởng Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Rạch Giá (Kiên Giang) hướng dẫn tiểu thương phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Để tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, tỉnh Kiên Giang đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Tỉnh phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ hành chính công. UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong việc thu, nộp ngân sách nhà nước; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thanh toán số, không dùng tiền mặt.
Tại các địa phương, hoạt động triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp, nổi bật là việc triển khai mô hình chợ 4.0 - chợ thanh toán không dùng tiền mặt trong trao đổi, mua bán tại các chợ.
Với mục đích hình thành thói quen và góp phần xây dựng công dân số, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu đến người dân, UBND TP. Rạch Giá triển khai mô hình chợ 4.0 tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá và các chợ trên địa bàn thành phố. Từ mô hình chợ 4.0, tiểu thương, người dân có thể mua bán hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua ứng dụng Viettel Money, VNPT Money của Viettel, VNPT nhanh, thuận tiện mà không cần phải thanh toán bằng tiền mặt, tránh rủi ro về tiền rách, tiền giả.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung - Phó trưởng Ban Quản lý Trung tâm Thương mại Rạch Giá cho biết: “Qua gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình chợ 4.0 tại Trung tâm Thương mại Rạch Giá được đa số tiểu thương, khách hàng đồng tình, ủng hộ bởi tiện ích mang lại qua thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán”.
Trung tâm Thương mại Rạch Giá có 1.597 lô kinh doanh, trong đó khu nhà lồng có 616 lô, khu nông sản 225 lô, còn lại là khu bán các loại hàng hóa khác. Theo ghi nhận của phóng viên, một số quầy hàng khu nhà lồng tại trung tâm thương mại, phần lớn tiểu thương mở tài khoản Viettel Money, VNPT Money để thực hiện giao dịch như nạp, chuyển tiền nhanh, thuận tiện. Nhiều quầy hàng chấp nhận thanh toán qua mã QR của các ngân hàng thương mại để khách hàng chọn thanh toán.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương - tiểu thương Trung tâm Thương mại Rạch Giá chia sẻ: “Việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tạo thuận tiện cho người bán và người mua hàng, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR của các ngân hàng mà khách hàng cài đặt là có thể thanh toán, chuyển vào tài khoản người bán. Bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tôi không mất thời gian đổi tiền lẻ để trả tiền thừa cho khách hàng, quản lý tốt số tiền bán hàng trong ngày”.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: