15/12/2023 09:50
Bài 1: Tạo cú hích từ chuyển đổi số
Chuyển đổi số là nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra cơ hội bứt phá, phát triển nhanh và bền vững cho mỗi quốc gia, mỗi ngành, mỗi địa phương. Chuyển đổi số được xác định với 3 trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu được tỉnh khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử. UBND tỉnh Kiên Giang quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động.
Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh triển khai đến 100% các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, xã. Toàn tỉnh cung cấp 1.925 thủ tục hành chính, kết nối liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%; trong đó có 1.414 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần là 864 thủ tục.
Theo đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh xếp hạng 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so năm 2022. Việc triển khai hệ thống để gửi, nhận văn bản điện tử trên môi trường mạng giúp cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giảm thời gian, chi phí; thay đổi tác phong, lề lối làm việc; nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100% (trừ văn bản mật).
Tỉnh quan tâm xây dựng các ứng dụng chuyên ngành ở mọi lĩnh vực cho các sở, ban, ngành và các cơ quan hành chính cấp huyện, xã; ứng dụng thí điểm trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo (Virtual Assistant) trong một số hoạt động đời sống. Các hệ thống, nền tảng kết nối quy mô địa phương (LGSP) để kết nối liên thông dữ liệu giữa các phần mềm khác nhau trong nội bộ tỉnh và giữa các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh với các hệ thống phần mềm chuyên ngành của bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), đảm bảo tuân thủ khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam.
Những năm qua, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng cường triển khai, vận hành nhiều hệ thống thông tin, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, chuẩn hóa nhằm cung cấp rộng rãi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông dữ liệu trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Ngành y tế tỉnh ứng dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế giúp ngành thực hiện tốt công tác quản lý bệnh nhân, quản lý thuốc, khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn tỉnh, từng bước hình thành và phát triển cơ sở dữ liệu toàn diện. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh triển khai phần mềm quản lý trường học, sổ liên lạc điện tử, phần mềm quản lý nhân sự ngành giáo dục, quản lý, thống kê giáo dục, phòng học tiên tiến, trường học thông minh, trường đạt chuẩn quốc gia đáp ứng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngành kế hoạch - đầu tư tỉnh đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đoàn viên, thanh niên TP. Rạch Giá hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.
Xác định phát triển chính quyền số là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, do vậy đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, đồng bộ nhiều giải pháp trong triển khai thực hiện; kiên trì, bền bỉ thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể mới thành công. Nhận thức vấn đề này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển chính quyền số.
Xã Đông Yên, huyện An Biên tích cực xây dựng chính quyền số, nổi bật với hoạt động triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Theo đồng chí Lê Minh Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Yên, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến lúc đầu gặp khó khăn do đa số người dân vùng nông thôn không có điều kiện tiếp xúc nhiều với máy vi tính, điện thoại thông minh nên bỡ ngỡ khi tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến; tâm lý ngại khó, quen với việc đến cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính.
Xã đẩy mạnh tuyên tuyền lợi ích, ý nghĩa của dịch vụ công trực tuyến gắn hướng dẫn người dân sử dụng, từng bước giúp người dân tiếp cận, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Năm 2022, xã Đông Yên tiếp nhận và giải quyết 12.884 hồ sơ, thủ tục hành chính, trong đó số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt trên 61%.
Thông tin từ UBND tỉnh, thực hiện chiến lược chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển chính quyền số. Cụ thể, tỉnh phấn đấu 100% hồ sơ, thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tối thiểu 80% hồ sơ, thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ nhập dữ liệu một lần; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.
100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thanh toán trực tuyến hoàn toàn trên môi trường mạng; được cung cấp qua nhiều kênh truy cập; tự động điền dữ liệu người dùng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm tăng tiện lợi, trải nghiệm cho người dùng.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: