08/01/2024 14:03
Đại tá Nguyễn Nhật Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chiến dịch 90 ngày đêm thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo các giải pháp, tập trung nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, nòng cốt là lực lượng công an, tổ công nghệ số cộng đồng và tổ công tác triển khai Đề án 06 xã, ấp và khu phố cùng Mặt trận Tổ quốc, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp vào cuộc.
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang cấp căn cước công dân, đồng thời kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng trước kia khi đi khám bệnh bà phải mang theo rất nhiều giấy tờ, nay chỉ cần mang theo duy nhất một chiếc điện thoại có cài đặt VNeID là đủ.
Bà Nguyễn Thị Bé Hai cho biết mọi giấy tờ từ thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân, giấy phép lái xe… đều có trong ứng dụng VNeID. Bà được Công an xã vận động đi kích hoạt định danh mức 2, sau khi hoàn thành đến nay, mọi thủ tục hành chính đều thực hiện rất đơn giản, nhanh chóng. Người dân khỏi phải đem theo giấy tờ rườm rà, chỉ cần mang theo chiếc điện thạoi là được.
Thượng tá Phạm Thị Cúc - Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang cho biết đơn vị phối hợp với VNPT Kiên Giang thành lập 2 tổ công tác trực tiếp hướng dẫn lực lượng công an các huyện, thành phố, các xã thực hiện các thao tác trên phần mềm cư trú, đến nay 144/144 xã đã thực hiện được các thao tác trên phần mềm.
“Chúng tôi tập trung hướng dẫn, đôn đốc công an các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát, thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư, đảm bảo đúng, đủ, sạch, sống. Hàng ngày cử cán bộ theo dõi, đôn đốc và thông báo kết quả cấp căn cước công dân, làm sạch, làm giàu dữ liệu”, Thượng tá Phạm Thị Cúc cho biết.
Cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp cấp căn cước công dân, định danh tài khoản cho người dân luôn làm việc xuyên suốt, kể cả ban đêm, nhất là các đợt cao điểm triển khai thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân 15 giờ/ngày, chia làm 3 ca, mỗi ca 5 giờ. Ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật đều hỗ trợ cho đến khi không còn công dân đến làm.
Công an tỉnh bố trí cán bộ đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Rạch Giá, cơ sở tôn giáo, trường học, khu di tích lịch sử, công nhân trong khu công nghiệp, đến tận nhà, chợ, điểm kinh doanh, các cuộc họp đoàn thể... để trực tiếp kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân.
Lực lượng công an còn kết nối Zalo để hướng dẫn kích hoạt trực tuyến cho người dân. Kết quả đến nay Công an tỉnh đã thu nhận khoảng 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử; trong đó kích hoạt hơn 850.000 tài khoản, đạt 101% chỉ tiêu cấp trên giao.
Hiện nay, Công an tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện 124 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an, giúp người dân giảm thời gian đi lại, chờ đợi, thời gian chuẩn bị và nộp các giấy tờ do khai thác, tái sử dụng thông tin dân cư.
Công an tỉnh đã tiếp nhận giải quyết hơn 1,8 triệu hồ sơ, đạt 94,38%; phối hợp Sở Nội vụ phân tích số liệu phục vụ thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với trên 2 triệu công dân tại 144 đơn vị hành chính cấp xã.
Công an tỉnh cung cấp thông tin về cư trú phục vụ kiểm tra, xác nhận về ưu tiên vùng cho 13.674 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023, phòng ngừa các hành vi lợi dụng lịch sử cư trú để xác nhận điểm ưu tiên vùng.
Công an tỉnh đã làm sạch 12.310 dữ liệu thông tin thuê bao, hạn chế tình trạng sim rác, tội phạm lừa đảo, đe dọa, vu khống, xác thực định danh cá nhân, căn cước công dân với người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để người dân đi khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân với hơn 1,3 triệu dữ liệu.
“Cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện nhiệm vụ với phương châm đến từng nhà, rà từng người, bố trí thời gian phù hợp, kể cả ban đêm, trực tiếp đến nhà từng người dân để hướng dẫn, giúp cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử”, Đại tá Nguyễn Nhật Trường chia sẻ.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: