31/08/2023 16:19
Với quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ, ngày 8-6-2022, Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số.
Chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2022 được xác định là phải chuyển hóa rõ nét trong hành động, trước hết là vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi ngành, địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ lộ trình số hóa, xây dựng dữ liệu số của ngành, địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Kiệm - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang, chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số phục vụ cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ truy cập, sử dụng. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Đến nay, tất cả các cơ quan nhà nước trong tỉnh Kiên Giang đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Việc trao đổi văn bản điện tử tích hợp chữ ký số thay thế hoàn toàn văn bản giấy (trừ văn bản mật) trong các cơ quan hành chính nhà nước từng bước đi vào nề nếp, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được thực hiện trên môi trường mạng.
Công chức, nhân viên bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính, UBND huyện Châu Thành (Kiên Giang) ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Nhiều sở, ngành, cơ quan, đơn vị triển khai các ứng dụng phần mềm chuyên ngành để nâng cao hiệu quả công việc như ngành kế hoạch - đầu tư hoàn thiện đưa vào sử dụng hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai, đưa vào vận hành hệ thống quan trắc tự động nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản kết hợp bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế ứng dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…
Kế thừa kết quả, nền tảng của chính quyền điện tử, tỉnh Kiên Giang tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ công cuộc chuyển đổi số. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được duy trì đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu kịp thời, hiệu quả giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh với các cơ sở dữ liệu Trung ương.
Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Kiên Giang hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; đảm bảo điều kiện để tích hợp liên thông với trung tâm điều hành của Chính phủ. Các hệ thống thông tin, dữ liệu chuyên ngành từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng trong các cơ quan nhà nước. Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh được quan tâm đầu tư.
Hầu hết cán bộ, công chức cấp sở, cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác; 100% cơ quan, đơn vị có hệ thống mạng nội bộ kết nối internet cáp quang tốc độ cao, được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng trong hoạt động cơ quan nhà nước.
Cùng với sử dụng hiệu quả hệ thống một cửa điện tử, việc số hóa hồ sơ thủ tục hành chính giúp giảm, xóa bỏ việc xử lý công việc bằng văn bản giấy, tiết kiệm chi phí, tạo tiền đề mở rộng phạm vi tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính tại bộ phận một cửa các cấp. Mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Đồng chí Huỳnh Văn Nọ - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) cho biết: “Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong cơ quan nhà nước không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục cho cán bộ quản lý, giúp họ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ công mà còn hướng tới xây dựng khái niệm công chức điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước”.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: