04/04/2024 14:04
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai đồng bộ, lan tỏa rộng khắp ở tất cả xã, thị trấn trên địa bàn huyện An Biên, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành những sản phẩm OCOP có giá trị, phù hợp nhu cầu tiêu dùng.
Việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện An Biên gắn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, bảo đảm tính minh bạch, giá thành ổn định, giúp khách hàng dễ nhận diện sản phẩm OCOP, tạo niềm tin khi tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên Huỳnh Văn Thẻ, trong nền công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, trở thành động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Chuyển đổi số mang lại nhiều yếu tố thuận lợi cho chương trình mỗi xã một sản phẩm phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, chủ động đầu ra, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm. Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá, đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Đến nay, huyện An Biên có 17 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên Huỳnh Văn Thẻ hướng dẫn, hỗ trợ chủ cơ sở gạo sạch Anh Thoại thực hiện các bước truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Phát huy vai trò của ngành chức năng trong thúc đẩy, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, mục đích của chuyển đổi số trong quảng bá, phát triển sản phẩm OCOP đến doanh nghiệp, chủ thể OCOP; quan tâm tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng chuyển đổi số, phát triển sản xuất, kinh doanh, thị trường cho doanh nghiệp, chủ thể OCOP.\
Nhờ được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP, bước đầu các doanh nghiệp, chủ thể OCOP trên địa bàn huyện biết cách ứng dụng công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP xây dựng trang web, sử dụng thư điện tử, phần mềm kế toán, ứng dụng hình thức thanh toán điện tử, chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Nhiều chủ thể OCOP chuyển đổi từ phương thức bán hàng truyền thống sang phương thức bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok. Chị Nguyễn Thị Diệu Hà - chủ cơ sở gạo sạch Anh Thoại ở huyện An Biên cho biết: “Chuyển đổi số tạo cơ hội lớn cho chủ thể OCOP nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Việc bán hàng qua sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội giúp đơn hàng tăng, thương hiệu về sản phẩm gạo sạch Anh Thoại đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của chúng tôi được nâng cao giá trị, được khách hàng nhận diện tốt hơn”.
Thời gian tới, huyện An Biên tiếp tục nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường; phấn đấu phát triển sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu uy tín, chất lượng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh. Huyện đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch điện tử có sự quản lý thống nhất, đồng bộ về thông tin sản phẩm OCOP, góp phần tạo nhiều kênh tiếp cận với người tiêu dùng, giúp các chủ thể OCOP xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm OCOP.
Bài và ảnh: CẨM TÚ
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: