10/10/2024 17:30
Nhận định vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, Kiên Giang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, dữ liệu số trong tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến nay, hoạt động chuyển đổi số từng bước đi vào bài bản, phát huy hiệu quả tích cực, tạo ra nhiều giá trị mới đáng ghi nhận. Chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn cho chính quyền, doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang Võ Minh Trung.
- Phóng viên: Ông cho biết quan điểm và mục tiêu Kiên Giang đặt ra trong quá trình thực hiện chuyển đổi số?
- Ông Võ Minh Trung: Quan điểm được thống nhất và xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện chuyển đổi số của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh là xem chuyển đổi đổi số là giải pháp đột phá, cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài; cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và toàn xã hội.
Hoạt động chuyển đổi số phải toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và phát triển bền vững địa phương.
Tỉnh đề ra mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Kiên Giang phấn đấu nằm trong tốp dẫn đầu về các chỉ tiêu chuyển đổi số.
- Phóng viên: Kiên Giang thực hiện đạt những kết quả bước đầu như thế nào trong quá trình chuyển đổi số, thưa ông?
- Ông Võ Minh Trung: Nhận thức và hành động về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh có nhiều chuyển biến. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. An ninh, an toàn thông tin tiếp tục được chú trọng. Nguồn lực về tài chính, nhân lực dành cho chuyển đổi số được quan tâm, tăng cường.
Người dân sử dụng điện thoại thông minh tìm hiểu thông tin thiết bị công nghệ số.
Chuyển đổi số đang là cơ hội để tỉnh ta bứt phá vươn lên, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Hoạt động chuyển đổi số thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột kinh tế số, chính quyền số, xã hội số mang lại hiệu quả thiết thực.
Chính quyền số giúp hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp. Kinh tế số góp phần đổi mới, sáng tạo, tạo ra giá trị mới, tăng năng suất lao động, hình thành hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận các dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống.
Kết quả thực hiện các chỉ số quan trọng của Kiên Giang có sự tăng hạng qua từng năm, nổi bật kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số năm 2023 xếp hạng 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 32 bậc so năm 2022, vươn lên đứng thứ 3/13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long (tăng 7 bậc so với năm 2022). Kết quả đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đến tháng 10-2024 Kiên Giang xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc so năm 2023.
- Phóng viên: Để đạt được mục tiêu chuyển đổi số, tỉnh cần có những giải pháp cụ thể nào?
- Ông Võ Minh Trung: Sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, toàn xã hội là yếu tố quyết định sự thành công trong chuyển đổi số. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số cần tiếp tục đẩy mạnh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thông tin theo nguyên tắc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phát triển hạ tầng băng rộng, ưu tiên phát triển tại các khu kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu du lịch. Cùng với đó, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp triển khai thí điểm, thử nghiệm các công nghệ, mô hình mới phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Kiên Giang sẽ tăng cường triển khai các nền tảng số trong một số lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, tài nguyên và môi trường, ngân hàng số. Hoàn thiện mạng truyền số liệu chuyên dùng, các hệ thống phần mềm dùng chung, số hóa dữ liệu, xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số.
- Phóng viên: Cảm ơn ông!
CẨM TÚ thực hiện
(KGO) - Mô hình chợ không tiền mặt, tuyến phố không tiền mặt trên địa bàn TP. Rạch Giá (Kiên Giang) thu hút 13 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia.
Tổng số lượt truy cập: