26/11/2022 10:31
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25-11-2022 về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, nhìn chung, các đối tượng chính sách đều được hưởng đúng, đủ, kịp thời các chế độ hỗ trợ, đặc biệt là việc chi trả các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội cơ bản vẫn bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt, dẫn đến chưa đảm bảo tính đồng bộ giữa các địa phương; chưa có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích khu vực ngoài nhà nước tham gia vào cung cấp dịch vụ công. Chậm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành chính sách.
Việc theo dõi, quản lý và chi trả cho các đối tượng chưa thống nhất, đồng bộ theo thời gian thực giữa Trung ương và địa phương nên việc chi trả cho các đối tượng vẫn còn tình trạng chậm, trùng lĩnh đối tượng.
Thời gian qua, quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội cơ bản vẫn bằng hình thức trực tiếp, chi trả bằng tiền mặt. Ảnh: MI NI.
Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt đối với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về các đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội, kết nối, chia sẻ dữ liệu an sinh xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo tiến độ…
Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác). Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội ngay trong năm 2022.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, kết nối, đồng bộ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan để hỗ trợ thực thi chính sách về an sinh xã hội; khẩn trương thực hiện việc kết nối, đồng bộ dữ liệu về an sinh xã hội bảo đảm theo lộ trình của Đề án 06.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thúc đẩy việc triển khai chi trả cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội qua tài khoản, trong đó có tài khoản ngân hàng. Ảnh: THÙY TRANG.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử để nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp với các ngân hàng thương mại, đơn vị tổ chức dịch vụ chi trả thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc phạm vi chi trả của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong việc xác minh thông tin về các đối tượng hưởng chính sách.
UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn...
MINH KHANG
(KGO) - Các cấp chính quyền, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tích cực đầu tư hạ tầng để mở rộng kết nối, xóa vùng trắng, vùng lõm sóng di động, đưa internet và các dịch vụ viễn thông hiện đại đến người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng yêu cầu kết nối, thông tin, liên lạc, chuyển đổi số của người dân.
Tổng số lượt truy cập: