03/04/2025 19:51
Bị cáo B.V.D.E, ngụ tỉnh An Giang đến huyện Hòn Đất làm thuê. Dù đã có vợ và hai con nhưng bị cáo chung sống như vợ chồng với bà T.T.T. Chị T.T.V (em gái bà T) là người mắc bệnh tâm thần nên được bà T chăm sóc, nuôi dưỡng.
Trong một lần bà T vắng nhà, bị cáo đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục với chị V. Dù nạn nhân không phản kháng, nhưng do nạn nhân mắc bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức và tự vệ, nên B.V.D.E bị khép vào tội hiếp dâm theo quy định của pháp luật.
Hành vi của B.V.D.E không bị phát giác. Sau thời gian gia đình nhận thấy bụng chị V ngày càng lớn. Nghĩ chị mắc bệnh gan nên đưa đi khám bệnh nhưng kết quả kiểm tra chị V mang thai ở tuần thứ 38, khiến gia đình vô cùng bất ngờ. Sau khi sinh con, đứa trẻ được giám định ADN, xác định bị cáo chính là cha. Lúc đầu, bị cáo phủ nhận trách nhiệm và bỏ trốn, nhưng sau đó bị bắt để phục vụ công tác điều tra, xét xử.
Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo tại Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất.
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử nhận định đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm và sức khỏe của bị hại, có thể bị phạt từ 5 - 10 năm tù theo quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 141 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, do bị cáo được người thân bồi thường, khắc phục hậu quả; đồng thời thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải nên chỉ bị xử phạt 5 năm tù giam là mức thấp nhất trong khung hình phạt. Ngoài ra, xét đến hoàn cảnh gia đình cận nghèo của bị cáo, tòa quyết định miễn án phí hình sự sơ thẩm.
Vụ án đặt ra một thực tế đáng suy ngẫm về những người yếu thế trong xã hội, nhất là những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Trong vụ án này, chị V là nạn nhân nhưng lại không có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình. Để đảm bảo sự công bằng, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang đã vào cuộc, cử luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị V. Đồng thời, do B.V.D.E thuộc hộ cận nghèo, không có điều kiện tài chính để nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý cũng được chỉ định bào chữa miễn phí để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo.
Bị cáo B.V.D.E bị tạm giam trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, người thân ở xa, khiến bị cáo rơi vào trạng thái đơn độc. Thế nên, người bào chữa là phao cứu sinh, liên hệ với bên ngoài, vận động hỗ trợ để bị cáo có được khoản tiền bồi thường thiệt hại; vừa giúp bị hại phần nào bù đắp mất mát, lại vừa tạo điều kiện cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ. Về phía bị hại, luật sư bảo vệ quyền lợi đã hỗ trợ gia đình trong các thủ tục pháp lý, giúp họ hiểu rõ quyền lợi hợp pháp và đảm bảo công lý được thực thi. Nhờ quá trình trợ giúp pháp lý, gia đình bị hại cũng đồng thuận giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự, gia đình bị hại nhận khoản bồi thường 5 triệu đồng từ người thân của bị cáo. Dù số tiền này rất nhỏ so với thiệt hại thực tế, nhưng do bị cáo thuộc hộ cận nghèo, gia đình bị hại đã bày tỏ sự cảm thông và không yêu cầu bồi thường thêm. Vụ án này không chỉ là một bản án pháp lý mà còn là một minh chứng cho vai trò quan trọng của trợ giúp pháp lý trong việc bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế. Việc bị cáo nhận thức được lỗi lầm và nỗ lực khắc phục hậu quả, cùng với sự hỗ trợ pháp lý kịp thời đã giúp quá trình xét xử diễn ra công bằng, hài lòng cho cả hai bên.
Bản án 5 năm tù không chỉ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật mà còn là lời cảnh báo cho những ai có ý định lợi dụng sự yếu thế của người khác để phạm tội. Đây cũng là một minh chứng rõ nét về tầm quan trọng của hệ thống trợ giúp pháp lý trong việc đảm bảo công bằng cho mọi công dân, bất kể họ đứng ở vị trí nào trong xã hội.
Bài và ảnh: ĐỊNH GIANG
(KGO) - Khi đổi chứng minh nhân dân sang căn cước công dân, mọi giao dịch đã xác lập đều sử dụng chứng minh 9 số cũ vẫn có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, để thực hiện các giao dịch mới một cách thuận tiện, người dân nên thực hiện cập nhật, sửa đổi thông tin các loại giấy tờ, trong đó giấy tờ nhà, sổ đỏ, sổ hồng cần cân nhắc thay đổi để tránh những rủi ro khi giao dịch mua bán sau này.
Tổng số lượt truy cập: