25/10/2024 15:57
Trước đây, chị Nguyễn Thị Hồng Nhi - tổ trưởng tổ may gia công giúp phụ nữ tăng thu nhập ở ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên đi TP. Hồ Chí Minh làm nghề may gia công nhiều năm. Do chi phí thuê phòng trọ và vật giá ngày càng tăng nên tiền công làm ra không đảm bảo được đời sống. Vì thế, năm 2019 chị Nhi quyết định về quê lập nghiệp. Sẵn có máy may và mối quen từ các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, chị Nhi tìm 1 căn nhà thuê ở quê nhà và tìm thêm thợ để mở tiệm may gia công.
Theo chị Nhi, thực tế địa phương có nhiều chị em ở nhà nội trợ, muốn có thêm việc làm để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Xu hướng của các công ty, xí nghiệp là cần thợ may gia công, nhưng phải có người đứng ra bảo lãnh trong quá trình nhận hàng và giao hàng. Từ thực tế này, chị mạnh dạn về quê mở tiệm và vận động một số chị em làm nghề may vào làm hoặc nhận hàng về nhà làm. “Chị em nào chưa có nghề may thì tôi dạy kèm, khi thành thạo thì nhận hàng gia công”, chị Nhi nói.
Thấy mô hình may gia công của chị Nhi có hướng phát triển tốt, giúp phụ nữ trên địa bàn có thêm thu nhập, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Kiên cùng Chi bộ, ban lãnh đạo ấp Tà Lóc tuyên truyền, vận động phụ nữ trên địa bàn làm nghề may tham gia mô hình. Năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Kiên vận động chị Nhi và các chị em thành lập mô hình tổ may gia công giúp phụ nữ tăng thu nhập.
Tổ may thực hiện gia công mặt hàng quần áo và đầm thời trang. Nguồn hàng được nhận từ TP. Hồ Chí Minh hoặc các công ty đặt may gia công theo mẫu có quy định cụ thể và hướng dẫn rõ ràng. Khi nhận mẫu hàng mới về, tổ may họp, sau đó phân chia mỗi người một công đoạn để phát huy thế mạnh của từng người, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc hoàn thành sản phẩm theo yêu cầu.
Tổ viên tổ may gia công giúp phụ nữ tăng thu nhập ở ấp Tà Lóc, xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất hoàn thành sản phẩm theo yêu cầu của công ty.
Để làm ra sản phẩm may mặc phải qua nhiều công đoạn như cắt vải, vắt sổ, may, se lai… nên cần nhiều người. Do công việc chủ làm theo dây chuyền, có những công đoạn chị em có thể mang hàng về nhà làm, không gò bó như làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp lớn nên có thể vừa làm vừa chăm lo gia đình. Khi hoàn thành tổ may tập hợp sản phẩm, đóng hàng gửi về công ty. Cứ 3-5 ngày sẽ có một chuyến hàng, với khoảng 500-700 sản phẩm.
Thời gian đầu nguồn hàng ít, mặt khác chưa đáp ứng được yêu cầu đa dạng về mẫu mã, thị hiếu của khách hàng nên thu nhập ban đầu của chị em trong tổ may bấp bênh. Do thành lập mô hình, tổ may gặp nhiều khó khăn như thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, máy móc, còn bỡ ngỡ trong quản lý hoạt động của tổ... Qua một thời gian hoạt động, tổ viên trong tổ giúp đỡ nhau may thành thạo, công việc cũng trôi chảy hơn. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ may vay vốn mua sắm trang thiết bị mở rộng mô hình.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Kiên Đinh Thị Kim Chi cho biết: “Tổ may phát huy được năng lực của phụ nữ trong quá trình làm việc tại tổ. Ban đầu tổ có 11 tổ viên, đến nay có 16 tổ viên. Mô hình tạo cơ hội cho chị em phát huy khả năng sáng tạo, phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo, nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội”.
Tổ may tạo điều kiện cho tổ viên có thu nhập khoảng 4-6 triệu đồng/tháng/người. Đây là nguồn thu nhập ổn định, giúp tổ viên trang trải sinh hoạt.
Chị Dương Thúy Hằng - tổ viên tổ may gia công giúp phụ nữ tăng thu nhập cho biết trước đây chị làm thợ may ở địa phương, nhưng do thị trường may mặc ngày càng đa dạng, mẫu mã phong phú, giá mềm hơn nhiều so với tự mua vải rồi thuê thợ may nên ngày càng ít người tự may quần áo. “Từ khi tổ may được thành lập, tôi tham gia đến nay. Nguồn hàng về đều đặn tôi có thu nhập ổn định để lo cho gia đình”, chị Hằng nói.
Tổ may gia công giúp phụ nữ tăng thêm thu nhập đang hoạt động khá hiệu quả ở ấp Tà Lóc và có nhu cầu mở rộng mô hình. Thời gian tới, tổ tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn vay hỗ trợ để mở rộng xưởng, mua thêm trang thiết bị. Đồng thời mở thêm các lớp dạy nghề để nâng cao tay nghề cho chị em trong tổ và các chị có nhu cầu muốn tham gia vào tổ nhưng chưa biết may.
Bài và ảnh: HUỲNH TÚ
(KGO) - Hàm Ninh, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những xã đã và đang đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Tổng số lượt truy cập: