13/11/2023 10:49
Tân Hiệp B là xã thuần nông, đông đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo chiếm đến 97% dân số. Mặc dù Tân Hiệp B không phải là xã điểm được chọn để thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của người dân đã giúp xã Tân Hiệp B cán đích nông thôn mới nâng cao sớm hơn dự kiến kế hoạch đề ra 1 năm.
Có thể nhận thấy được sự thay đổi rõ nét của xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp kể từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, đường ngõ, xóm được bê tông hóa khang trang, kinh tế phát triển, môi trường sống được cải thiện, đời sống người dân được nâng lên về mọi mặt.
Trình độ sản xuất của người dân ngày càng tiến bộ, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật tiên tiến được xã triển khai và nhân rộng đến người dân như sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao bằng máy sạ lúa theo hàng...
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương khuyến khích, vận động người dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ lúa gạo với doanh nghiệp, tạo đầu ra cho lúa gạo, giúp người dân có thu nhập ổn định. Ước tính thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt trên 73,5 triệu đồng.
Người dân xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) tham gia phân loại rác thải tại nguồn.
Ông Đặng Văn Rang, ngụ ấp Tân Hòa A, xã Tân Hiệp B, huyện Tân Hiệp nói: “Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Nhà nước mang lại nhiều lợi ích đối với người dân nông thôn. Những năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới giúp đời sống người dân ngày càng tốt hơn. Nhà cửa được xây dựng khang trang, kiên cố, số hộ khá, giàu tăng. Con em được học tập trong môi trường tốt hơn. Đường giao thông được mở rộng, xe bốn bánh đi tới nhà, thuận tiện cho người dân mua bán, đi lại.”
Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp B Nguyễn Minh Lành, bài học kinh nghiệm xã rút ra được sau khi thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao chính là khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã xây dựng lộ trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Bên cạnh nguồn ngân sách, xã tranh thủ tối đa sự ủng hộ của người dân, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu về kết cấu hạ tầng. Đồng thời, xã thường xuyên rà soát, kiểm tra chất lượng các tiêu chí, kịp thời đề xuất UBND huyện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí còn yếu.
Chính quyền địa phương kết hợp với Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến ấp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Tân Phú Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, ý thức của người dân trong ấp ngày càng nâng lên, không còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Nhiều hộ tình nguyện hiến đất mở rộng đường, góp tiền, ngày công nâng cấp hệ thống đường giao thông, điện chiếu sáng, xây dựng tuyến đường hoa, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Hàm Ninh, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những xã đã và đang đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Tổng số lượt truy cập: