25/07/2024 13:02
Đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 3.610 tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định, đạt tỷ lệ 99,4%. Từ khi tỉnh triển khai việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển. Bên cạnh đó, thiết bị giám sát hành trình còn giúp các chủ tàu quản lý, theo dõi tình trạng tàu cá của mình trong quá trình hoạt động trên biển; hỗ trợ tốt trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Mặc dù tỉnh tăng cường công tác quản lý trực theo dõi qua hệ thống giám sát tàu cá, nhưng công tác quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình cũng còn nhiều bất cập, hạn chế như còn nhiều tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển; hệ thống giám sát tàu cá còn nhiều thao tác thủ công, còn thiếu một số tính năng cảnh báo tự động và đang trong quá trình nâng cấp, bổ sung.
Tình trạng tàu cá, ngư dân không duy trì hoạt động của thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định mà cố tình tháo gỡ thiết bị khỏi tàu, gửi thiết bị trên bè cá, gửi cho tàu cá khác hoặc gửi về bờ…; có nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý rất nặng, nhưng tình trạng này vẫn còn xảy ra.
Cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Kiên Giang gọi điện thoại nhắc nhở chủ tàu duy trì mở thiết bị giám sát hành trình.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, 5 tháng năm 2024, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh đã gọi điện cảnh báo đối với 14.425 lượt tàu mất kết nối; phát hành cảnh báo bằng văn bản cho các trường hợp không báo tọa độ, vị trí tàu cá hoạt động trên biển, không mở lại kết nối đối với 690 lượt tàu mất kết nối trên biển trên 6 giờ và 136 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Đồng thời, trung tâm thực hiện 3.067 cuộc gọi và phát hành 18 văn bản đối với 445 lượt tàu cá có dấu hiệu, nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.
Ông Võ Ngọc Thu, ngụ xã Lình Huỳnh (Hòn Đất) cho biết: “Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là ngư dân hoạt động nghề khai thác thủy sản tôi hoàn toàn đồng tình và ủng hộ chủ trương này ”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang Cô Hồng Khởi, trong thời gian qua, việc xử lý thiết bị giám sát hành trình còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nhóm tàu cá mất kết nối trên 6 giờ. Vì tàu đang hoạt động trên biển không thể xác định được nguyên nhân thiết bị giám sát hành trình mất kết nối là do thuyền trưởng tác động để không duy trì hoạt động hay là do lỗi thiết bị.
Việc thiết bị giám sát hành trình bị mất kết nối thì phải báo cáo tọa độ 6 giờ/lần, nếu thiết bị hỏng thì phải đưa tàu về bờ để khắc phục trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên thực tế có trường hợp chủ tàu không biết báo cáo tọa độ như thế nào khi không liên lạc được với thuyền trưởng. Có trường hợp chủ tàu không biết báo cáo tọa độ ra sao, chỉ biết liên hệ nhà mạng, nên căn cứ vào việc không báo cáo tọa độ 6 giờ/lần để xử lý vi phạm hành chính là chưa thực tế, vì chủ tàu ở nhà không biết chính xác tọa độ để báo cáo.
Thêm vào đó, việc bắt buộc đưa tàu về bờ để khắc phục lại thiết bị giám sát hành trình bị hỏng là chưa thực tế đối với ngư dân Kiên Giang vì chi phí một chuyến biển là rất lớn, nếu đưa tàu về bờ thì thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân.
Việc xử lý vi phạm hành chính qua hệ thống giám sát tàu cá là xử lý nguội, tàu khai thác phần lớn đang hoạt động trên biển, không có biện pháp ràng buộc chủ tàu lên làm việc. Một số trường hợp tàu bán nhưng không chuyển quyền chủ sở hữu hoặc cho thuê nên việc xác minh phải mất nhiều thời gian dẫn đến hiệu quả xử lý vụ việc vi phạm không đảm bảo thời gian quy định.
Đối với tàu cá vượt ranh giới trên biển phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá, theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử lý hành vi này rất khó xác định thiết bị giám sát hành trình chưa được giám định, kiểm định rõ ràng nên các chủ tàu, thuyền trưởng kiên quyết không thừa nhận khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài, dẫn đến không đủ cơ sở xử lý vi phạm hành chính về khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết thời gian tới để siết chặt công tác quản lý tàu cá thông qua thiết bị giám sát hành trình, ngành nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc sở tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý từ khâu lắp đặt thiết bị; khâu theo dõi quản lý qua hệ thống giám sát tàu cá đến khâu xác minh, xử lý vi phạm; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về quản lý và sử dụng thiết bị giám sát hành trình.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp, thuê đơn vị tư vấn, xây dựng tổng đài nhắn tin, gọi điện thoại tự động qua hệ thống giám sát tàu cá nhằm nhắc nhở, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá mất kết nối, vượt ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển phát hiện qua hệ thống giám sát tàu cá.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai các đợt kiểm tra về năng lực của các nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình tại Kiên Giang; chú trọng kiểm tra chất lượng thiết bị, tuân thủ quy trình lắp đặt và kiểm tra dây niêm phong kẹp chì thiết bị trên diện rộng của toàn tỉnh.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
(KGO) - Hàm Ninh, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những xã đã và đang đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Tổng số lượt truy cập: