30/12/2024 11:22
Vợ chồng ông Trương Văn Dô giới thiệu sản phẩm mắm Tám Dô.
Gia đình ông Trương Văn Dô - chủ cơ sở sản xuất mắm Tám Dô từng có 7 năm thuộc diện hộ nghèo, chỉ có 2 công đất ruộng. Vào mùa nước nổi, đánh bắt cá đồng được nhiều nhưng ăn không hết, bà Lê Thị Hết (vợ ông Dô) làm mắm. Ban đầu, bà Hết làm vài hũ mắm để ăn; sau đó, mời hàng xóm ăn thử và được khen ngon nên năm 2000, vợ chồng ông Dô quyết định làm mắm để bán, từng bước gây dựng cơ sở sản xuất mắm Tám Dô.
Những ngày đầu, bà Hết mang mắm ra chợ quê bán, được khách hàng ưa chuộng nhờ hương vị mắm đậm đà. Dần dần, lượng khách hàng biết đến và mua sản phẩm mắm Tám Dô ngày càng nhiều. Vợ chồng ông Dô bắt đầu sản xuất với số lượng lớn, nhưng thiếu vốn để đầu tư cơ sở vật chất và mua nguyên liệu.
Nắm được tình hình khó khăn của hộ sản xuất, chính quyền địa phương đã kịp thời hỗ trợ gia đình ông Dô tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và hướng dẫn thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP. Năm 2015, cơ sở sản xuất mắm Tám Dô hoàn thành thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP và tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Sản phẩm mắm Tám Dô được công nhận là OCOP 3 sao năm 2021 và được công nhận lần thứ hai vào năm 2024. Hiện mắm Tám Dô có mặt tại các siêu thị, chợ trong tỉnh Kiên Giang, các tỉnh lân cận và kênh trực tuyến như Zalo, Facebook.
Công đoạn đóng gói mắm Tám Dô tại cơ sở sản xuất.
Bí quyết làm nên thương hiệu mắm Tám Dô chính là sự tận tâm trong từng khâu sản xuất. Ông Trương Văn Dô chia sẻ: “Quan trọng nhất là chọn cá tươi và chao mắm đúng cách. Mắm của gia đình tôi làm hoàn toàn thủ công, không phẩm màu hay hóa chất, được người tiêu dùng tin tưởng chọn mua”. Các loại cá đồng như cá lóc, cá sặc, cá rô được chọn lọc rất kỹ, làm sạch, ướp muối, ủ và chao mắm, mất khoảng 12 tháng để mắm có hương vị đặc trưng, thơm ngon, đậm đà.
Không chỉ góp phần gìn giữ văn hóa ẩm thực truyền thống, mắm Tám Dô còn mang lại giá trị kinh tế cho gia đình. Bà Lê Thị Hết cho biết, cơ sở sản xuất hơn 50 tấn cá các loại, tổng thu trên 2 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm. Tuy làm mắm vất vả, nhưng gia đình tôi luôn cố gắng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Bà Lê Thị Hết giới thiệu sản phẩm mắm Tám Dô với Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thuận Hà Thanh Lâm.
Ngoài giá trị kinh tế, cơ sở sản xuất mắm Tám Dô còn tạo việc làm ổn định cho hơn 15 lao động địa phương. Chị Đỗ Thị Chờ (36 tuổi), ngụ ấp Kinh Xuôi, xã Ngọc Thành vừa dán nhãn và đóng nắp keo chia sẻ: “Tôi cắt cá, sơ chế cá cho đến hoàn thiện sản phẩm tại cơ sở này đã 3 năm, thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Điều tôi thích nhất là được làm việc gần nhà, vừa tiện chăm sóc gia đình vừa có thu nhập ổn định”.
Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thuận Hà Thanh Lâm cho biết: “Xã Ngọc Thuận có 6 ấp và hơn 2.000 hộ dân, trong đó 35 hộ theo nghề làm mắm truyền thống. Nổi bật là cơ sở sản xuất mắm Tám Dô, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Cơ sở tạo việc làm ổn định cho hơn 15 lao động với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng, góp phần phát triển kinh tế địa phương, duy trì tiêu chí nông thôn mới nâng cao và đưa hương vị mắm truyền thống lan tỏa xa hơn”.
Mắm cá sặc Tám Dô.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, cơ sở sản xuất mắm Tám Dô đã chuẩn bị hơn 8 tấn cá các loại để phục vụ thị trường. Bên cạnh mắm, cơ sở còn sản xuất các sản phẩm khác như mắm ruột, dưa mắm, khô nhái, khô cá sặc… mang lại nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Cơ sở sản xuất mắm Tám Dô nhận chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao lần 2 năm 2024.
Cơ sở sản xuất mắm Tám Dô
Đặc sản Mắm Giồng Riềng - Sản phẩm OCOP 3 sao
Địa chỉ : ấp Đường Lác, xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng
Điện thoại : 0386.311435 - 0855. 665449
Bài và ảnh: BÍCH THÙY
(KGO) - Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang (Sở Công thương tỉnh Kiên Giang), chương trình khuyến công triển khai trong tỉnh Kiên Giang đang phát huy hiệu quả thiết thực, giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trong tỉnh phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tổng số lượt truy cập: