14/12/2024 13:17
Các cơ sở công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách ngày càng hoàn thiện các quy trình sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn quy định trong nước, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước Châu âu, Hoa Kỳ… làm tăng giá trị sản phẩm trên thị trường.
Giai đoạn 10 năm (2012-2022) thi hành Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012 của Chính phủ về khuyến công, tỉnh Kiên Giang sử dụng tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ 13 đề án. Giai đoạn năm 2022-2024, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện hơn 3,1 tỷ đồng.
Trưởng Phòng Quản lý khuyến công, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Đinh Thị Huyền Linh tham quan phòng trưng bày nước mắm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước mắm Kim Hoa, TP. Phú Quốc (Kiên Giang).
Đáng chú ý trong giai đoạn 2022-2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang đã triển khai hiệu quả nguồn vốn khuyến công quốc gia vào thực hiện đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến nước mắm”.
Nguồn vốn khuyến công quốc gia tập trung đầu tư hỗ trợ, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường, phòng trưng bày, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn…
Cụ thể: Năm 2022 thực hiện hơn 1,6 tỷ đồng; năm 2023 thực hiện gần 1,5 tỷ đồng. Riêng năm 2024, tổng kinh phí khuyến công quốc gia gần 5,1 tỷ đồng tập trung vào hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường, ứng dụng máy móc tiên tiến cho các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc và tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh khu vực phía Nam lần thứ XIV năm 2024; tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía nam 2024.
Đoàn kiểm tra Cục Công thương địa phương (Bộ Công Thương) kiểm tra hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn khai thác thủy hải sản Liên Hiệp, TP. Phú Quốc (Kiên Giang).
Công tác triển khai các hoạt động khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia kịp thời, phù hợp theo định hướng của tỉnh về phát triển công nghiệp. Thông qua hoạt động khuyến công với một phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đã tạo đòn bẩy, khuyến khích nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng nhằm nâng cấp máy móc thiết bị tiên tiến vào phục vụ sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, sản phẩm nước mắm truyền thống Phú Quốc đã đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, tạo ra giá trị kinh tế cao. Các cơ sở sản xuất đã mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý chất lượng, giúp sản phẩm phát triển bền vững trên thị trường.
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Kiên Giang còn phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gồc (mã QR) cho 12 cơ sở công nghiệp nông thôn và xây dựng bộ nhận thương hiệu trực tuyến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn như: Cơ sở sản xuất tinh dầu Nathea (Tân Hiệp), cơ sở sản xuất chả lụa Cận (Tân Hiệp), hộ kinh doanh rượu sim Bảy Gáo (TP. Phú Quốc), hộ kinh doanh Phạm Văn Khoa (Vĩnh Thuận), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sản xuất thương mại HPQ Phú Quốc (TP. Phú Quốc)…
Công nhân Doanh nghiệp tư nhân Hồng Đức 1, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) dán nhãn chai nước mắm.
Các cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ không chỉ tăng trưởng sản xuất bình quân từ 5-15%/năm mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Điển hình, Công ty nước mắm Kim Hoa nhận được hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ chiết rót và đóng nắp chai nước mắm tự động với tổng trị giá 600 triệu đồng. Sau khi đầu tư máy móc, thời gian đóng chai nước mắm của doanh nghiệp giảm từ 10.000 chai/5 ngày còn 10.000 chai/2 ngày, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trong sản xuất.
Ông Phạm Huỳnh Quốc Thanh - Giám đốc công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên nước mắm Kim Hoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc bày tỏ: “Sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công quốc gia đã giúp chúng tôi thuận lợi trong phát triển kinh doanh. Nếu không có vốn hỗ trợ, công ty của tôi gặp khó trong việc đầu tư vào sản xuất. Nhất là hỗ trợ về môi trường và dây chuyền đóng chai. Nhờ đó, công ty đã nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng doanh thu, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm địa phương trên thị trường trong và ngoài nước”.
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Kiên Giang Trương Văn Cuội cho biết, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công quốc gia đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh. Tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống của người dân địa phương. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực xuất khẩu, đưa thương hiệu nước mắm truyền thống Phú Quốc ngày càng phát triển bền vững hơn.
"Thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ chính sách khuyến công nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp chủ lực theo đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh”,Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển Công nghiệp Kiên Giang Trương Văn Cuội nói.
Trưởng Phòng Quản lý khuyến công, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) Đinh Thị Huyền Linh cho biết: “Kiên Giang đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn khuyến công quốc gia, nhất là đề án khuyến công quốc gia điểm do Sở Công thương triển khai đang phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đạt hiệu quả tốt. Các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Kiên Giang đã thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng để lắp đặt các hệ thống lọc vi sinh, xử lý nước thải, nhà trưng bày…".
Theo Trưởng Phòng Quản lý khuyến công Đinh Thị Huyền Linh, chính sách khuyến công đã có tác động tích cực, thiết thực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phát triển theo xu hướng sản xuất xanh, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững, giảm thiểu phát thải và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM
(KGO) - Sử dụng căn cước công dân gắn chip và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID)... đã tích hợp thẻ bảo hiểm y tế để thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy khi khám, chữa bệnh mang lại nhiều tiện ích, giảm thủ tục khám, chữa bệnh và thời gian chờ đợi cho bệnh nhân.
Tổng số lượt truy cập: