11/10/2024 18:41
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF), hiện nay cứ năm phụ nữ trong độ tuổi từ 20-24 thì có một người kết hôn sớm. Gần 1/4 trẻ em gái vị thành niên đã kết hôn hoặc có bạn đời sớm bị lạm dụng tình dục hoặc bạo hành thể xác. Trên toàn cầu, 75% các ca nhiễm HIV mới ở trẻ vị thành niên là trẻ em gái. Cứ 3 trẻ em gái vị thành niên thì có 1 trẻ bị thiếu máu, đây là một dạng suy dinh dưỡng.
Số lượng trẻ em gái vị thành niên không được tiếp cận với giáo dục, việc làm hoặc đào tạo gần gấp đôi so với trẻ em trai. Ở Đông Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tình trạng trọng nam khinh nữ còn khá phổ biến và điều này được cho là gốc rễ của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.
Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nam Thái Sơn (Hòn Đất) tuyên truyền về bình đẳng giới tại sân chơi thanh niên tuyên truyền chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển năm 2024.
Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thực hiện cho thấy hơn 60% nam giới tham gia phỏng vấn khẳng định việc có con trai là rất quan trọng đối với đàn ông. Kết quả này lý giải vì sao nhiều gia đình cố gắng tìm mọi cách để sinh con trai. Theo báo cáo tình trạng dân số thế giới do Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam công bố, mỗi năm có khoảng 40.800 bé gái tại Việt Nam không có cơ hội chào đời vì lý do giới tính. Điều này phản ánh tình trạng đáng lo ngại về trọng nam khinh nữ, phá thai lựa chọn giới tính và sự mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm thay đổi nhận thức của người dân về việc sinh con trai hay con gái. Đồng thời, nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng, không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Với chủ đề “Tầm nhìn cho tương lai của trẻ em gái”, ngày quốc tế trẻ em gái năm nay nhằm nhấn mạnh trẻ em gái không chỉ dũng cảm đối mặt với những thách thức mà còn hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi ngày, trẻ em gái nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn về một thế giới mà tất cả trẻ em gái được bảo vệ, tôn trọng và trao quyền.
Tuy nhiên, để đạt được tầm nhìn này, trẻ em gái không thể tự mình thực hiện, các em cần sự hỗ trợ của những người luôn lắng nghe và đáp ứng nhu cầu của mình. Các nghiên cứu cho thấy, khi được hỗ trợ, cung cấp nguồn lực và tạo cơ hội phù hợp thì tiềm năng của hơn 1,1 tỷ trẻ em gái trên toàn thế giới là vô hạn.
Nhân ngày quốc tế trẻ em gái, các lãnh đạo cấp cao của Liên Hiệp quốc kêu gọi mọi người cần hành động ngay để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện những cam kết đã đề ra, mang đến cho trẻ em gái mọi cơ hội phát triển khi trưởng thành vào năm 2030. Đồng thời, nỗ lực giúp trẻ em gái tránh khỏi việc kết hôn sớm, mang thai ngoài ý muốn, bảo vệ các em khỏi nguy cơ lây nhiễm HIV và tạo điều kiện cho các em được giáo dục, trang bị kỹ năng cần thiết để phát huy hết tiềm năng của mình; đảm bảo quyền tình dục và sinh sản của trẻ em gái. Tất cả trẻ em gái có quyền sống mà không phải sợ hãi hoặc bị bạo hành.
Để bảo vệ trẻ em gái, mọi người cần có hành động khẩn cấp để thúc đẩy sự phát triển vì quyền lợi của các em; đầu tư vào tương lai của các em chính là đầu tư vào tương lai của chúng ta. Do đó, cần xây dựng một tương lai nơi mọi quyền của trẻ em gái đều được bảo vệ.
Bài và ảnh: TUẤN NGHĨA
(KGO) - Hàm Ninh, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) là một trong những xã đã và đang đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, giảm chi phí, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Tổng số lượt truy cập: