09/02/2025 07:35
Thông qua chính sách khuyến công, các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn tiếp cận công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu vững chắc.
Ông Vương Văn Giỏi - Giám đốc Chi nhánh Hợp tác xã nông sản hữu cơ Rạch Giá, ấp Tân Điền, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang) cho biết: “Nhờ sự hỗ trợ từ chương trình khuyến công địa phương, hợp tác xã được đầu tư máy tách màu gạo và hệ thống cân đóng gói tự động. Hiện gạo hữu cơ của hợp tác xã đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn như AEON, MM Mega Market, Co.opmart, Big C...”.
Công nhân Chi nhánh Hợp tác xã Nông sản Hữu cơ Rạch Giá, ấp Tân Điền, xã Giục Tượng (Châu Thành) đóng gói gạo thành phẩm.
Chi nhánh Hợp tác xã nông sản hữu cơ Rạch Giá được hỗ trợ máy tách màu gạo, năng suất từ 0,7 - 1,5 tấn/giờ và hệ thống cân đóng gói, năng suất 600 - 700 túi/giờ. Máy tách màu gạo có khả năng loại bỏ chính xác các loại hạt gạo có khuyết điểm về màu và kích thước gạo với tỷ lệ tách đạt trên 95%. Hệ thống cân đóng gói, định lượng cho độ chính xác cao.
Chi nhánh Hợp tác xã nông sản hữu cơ Rạch Giá chủ yếu sản xuất các dòng sản phẩm gạo hữu cơ như gạo ST25, gạo lứt hữu cơ. Doanh thu tăng từ 14,2 tỷ đồng lên 28,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 12 người lao động với thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Năng suất, sản lượng gạo hữu cơ tăng từ 800 tấn/năm lên hơn 1.600 tấn/năm.
Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu bánh kem xốp của hộ kinh doanh Liên Hưng, ấp An Khương, xã Minh Hòa (Châu Thành) được đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất bánh kem xốp tự động. Dây chuyền có năng suất cao, sản lượng bánh tăng từ 60 tấn/năm lên 160 tấn/năm. Nhờ công nghệ tiên tiến, chất lượng bánh giòn, thơm và đạt các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thực phẩm; góp phần giúp cơ sở đạt doanh thu 4,8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 8 người lao động địa phương.
Nhân viên của hộ kinh doanh Liên Hưng, ấp An Khương, xã Minh Hòa (Châu Thành) đóng gói bánh kem xốp.
“Giờ đây, bánh kem xốp Liên Hưng đã có mặt tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Nhờ đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, tôi đã phát triển thêm dòng bánh cao cấp mới thương hiệu Nati với chất lượng và hương vị ngon hơn nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của phân khúc khách hàng cao cấp. Nhằm hướng tới việc xuất khẩu bánh kem xốp, hiện sản phẩm bánh kem xốp đã đạt các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO 22000:2018…”, bà Trần Khả Ky, chủ hộ kinh doanh Liên Hưng nói.
Nhờ hỗ trợ từ chính sách khuyến công ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất bánh răng, ông Trần Văn Sơn, chủ hộ kinh doanh Trần Văn Sơn, đường Trần Khánh Dư (TP. Rạch Giá) mạnh dạn đối ứng vốn đầu tư mới máy khoan điều khiển số và máy cắt dây dùng tia lửa. Tổng trị giá 2 máy 605 triệu đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng.
Sở Công thương tỉnh Kiên Giang nghiệm thu đề án khuyến công địa phương năm 2024 “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất bánh răng” của hộ kinh doanh Trần Văn Sơn, đường Trần Khánh Dư (TP. Rạch Giá).
Sau đầu tư máy móc hiện đại, sản phẩm bánh răng được cắt bằng tia lửa điện nên cắt được nguyên liệu kim loại dày và cứng; máy điều khiển tự động, bản vẽ được lập trình trước trên máy; sản phẩm sản xuất hàng loạt với độ chính xác cao, tiết kiệm tối đa nguyên vật liệu, giảm tiêu hao năng lượng tiêu thụ… Vì vậy, cơ sở giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, năng suất và chất lượng.
Số lượng bánh răng trụ (loại ăn khớp trong và ăn khớp ngoài), bánh răng nón, bánh răng bơm dầu nhớt, bánh răng xích... tăng từ 3.500 cái lên 7.000 cái/năm. Doanh thu tăng từ 1,7 tỷ đồng lên hơn 3,7 tỷ đồng/năm; lợi nhuận tăng từ 130 triệu đồng lên hơn 212 triệu đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 9 người lao động tại địa phương, với mức lương từ 12 - 14 triệu đồng/người/tháng.
Các sản phẩm như gạo hữu cơ, bánh kem xốp và bánh răng được nâng tầm không thể tách rời những chính sách khuyến công linh hoạt, bám sát thực tiễn của tỉnh. Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang Trương Văn Cuội, cho biết các cơ sở sản xuất được tiếp cận với những giải pháp thiết thực như cải tiến quy trình sản xuất, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu.
Các chương trình khuyến công nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao quy trình sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn; giúp giảm phát thải ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng; nâng cao năng lực quản lý, tăng doanh thu, lợi nhuận cho cơ sở, tạo việc làm cho người lao động địa phương và đóng góp vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Bài và ảnh: KIỀU DIỄM
(KGO) - Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân tăng cao. Công ty Điện lực Kiên Giang xây dựng kế hoạch, lên phương án vận hành để đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định, an toàn và liên tục dịp Tết Nguyên đán.
Tổng số lượt truy cập: