31/10/2022 16:30
Kính thưa Chủ tọa phiên họp!
Kính thưa Quốc hội!
Tôi xin tranh luận với đại biểu Việt Nga về xác định nguyên nhân chính dẫn đến lãng phí và đại biểu Siu Hương về xác định giải pháp ưu tiên để cải thiện tình trạng lãng phí.
Theo đại biểu Việt Nga, nguyên nhân chính dẫn đến lãng phí chủ yếu là do lợi ích cá nhân. Tôi rất chia sẻ với quan điểm này, vì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí, tuy nhiên theo tôi đây không phải là nguyên nhân chính.
Theo tôi một trong những nguyên nhân chủ yếu, xuyên suốt của những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra đó là thể chế liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều bất cập.
Qua kết quả giám sát cho thấy, công tác tham mưu xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế, kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở, dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn về nguồn vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, các bộ, ngành vẫn còn nợ 9 văn bản hướng dẫn các luật, năm 2020 còn nợ 7 nghị định và còn 30 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 nhưng chưa được ban hành.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Phó Bí thư Huyện ủy An Biên, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tranh luận tại hội trường Quốc hội, sáng 31-10.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra hàng loạt những lỗ hổng về cơ chế, chính sách đối với nhiều lĩnh vực như đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT, quản lý đất đai, đô thị, tài nguyên khoáng sản...
Nhân đây tôi xin đề xuất kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ nhất, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu quy định các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá thực trạng bố trí nguồn lực cho hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, qua đó có giải pháp bố trí hợp lý cả về kinh phí, nhân lực, trong đó chú trọng đội ngũ công tác làm công tác pháp chế và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ cải cách thể chế, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn tới.
Thứ ba, các cơ quan, đơn vị có liên quan cần phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là khi trình các văn bản luật, các bộ, ngành cần phải tham mưu Chính phủ chuẩn bị đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có) nhằm khắc phục triệt để tình trạng luật đã có hiệu lực thi hành nhưng còn phải chờ nghị định và các văn bản dưới luật mới thực hiện được.
THANH ANH lược ghi
(KGO) - Ngày 14-1, Ban Thường vụ Huyện ủy Giồng Riềng (Kiên Giang) tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 3-2 và 19-5 năm 2025 cho 37 đồng chí cao niên tuổi Đảng.
Tổng số lượt truy cập: