23/11/2022 10:42
Với cả nước, đồng chí Võ Văn Kiệt là một nguyên thủ quốc gia, một cán bộ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, một nhãn quan khoa học và tinh tế, một tư duy nhạy bén, linh hoạt, sắc sảo trên gần hết mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, nghệ thuật, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, đến những điều tưởng như nhỏ nhoi với xã hội nhưng lại vô cùng to lớn với một nhóm người, một con người. Một thái độ trân trọng, biết lắng nghe cả những tiếng nói trái tai mà có lúc gần như phải trân mình.
Nhưng chính yếu hết, trên hết là một bộ óc và trái tim hết lòng tận tụy với Đảng, với dân, với số đông nhân dân và cả với những người mà bản thân họ tưởng rằng không bao giờ được gặp một người lãnh đạo cấp cao như thế.
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp hay chống Mỹ, nét nổi bật của đồng chí Võ Văn Kiệt là thể hiện một bản lĩnh và tính kiên cường của người lãnh đạo, người chiến sĩ cách mạng trước gian khó, hiểm nguy, nhất là trước những tình thế ngặt nghèo của chiến tranh. Đó là tư tưởng tiến công không lùi bước trước khó khăn, gian khổ nào. Đó là sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, dám suy nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.
Những quyết sách táo bạo, thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén và tính quyết đoán trước tình thế cách mạng, tình hình chiến trường miền Tây Nam bộ sau Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cũng như sau khi Hiệp định Paris 1973 có hiệu lực, đã thể hiện một bản lĩnh hiếm có của người lãnh đạo cao nhất ở một chiến trường quan trọng đối với toàn bộ cục diện chiến tranh. Đó là tư chất đặc biệt của một lãnh tụ, trước những thời điểm quan trọng có ý nghĩa quyết định của công cuộc kháng chiến, mà nếu quyết đoán sai sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (đứng) trong chuyến thăm và làm việc tại Kiên Giang năm 2000.Ảnh: TRƯƠNG VŨ
Ngày nay, khi chiến tranh đã lùi xa, chúng ta càng có đủ căn cứ, cơ sở đánh giá ý nghĩa, kết quả, tác dụng của những quyết định có tính lịch sử đó của đồng chí Võ Văn Kiệt, với công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Tây Nam bộ và đối với cả nước. Sẵn sàng chịu nhận kỷ luật chứ không chịu nhận chức vụ cao hơn khi tự thấy mình chưa bằng người khác. Dám chịu trách nhiệm và cũng sẵn sàng thà nhận kỷ luật trước Đảng nhưng không để địch dồn cách mạng vào thế bất lợi, khó khăn, bởi đồng chí đánh giá đúng bản chất của kẻ thù.
Quyết sách đó, bản lĩnh đó xuất phát từ cái tâm trong sáng, từ tình yêu nước, thương dân vô bờ, từ tầm cao rộng, một trí tuệ nhạy bén, sắc sảo mà không phải ai cũng có được. Cái tâm ấy, cái tầm ấy đã quyện chặt trong mọi tư duy, mọi hành động của Võ Văn Kiệt một cách xuyên suốt, trong kháng chiến cũng như thời bình, hun đúc thành một nhân cách lớn: Nhân cách Võ Văn Kiệt.
Những năm tháng chiến tranh đã hun đúc trong Võ Văn Kiệt một chân lý: Không có dân sẽ không có cách mạng, không có độc lập, tự do, không có Tổ quốc. Vì thế, vào thời bình, Võ Văn Kiệt đau đáu suy tư, trăn trở với cuộc sống của nhân dân, với cái nghèo của nông dân miền Tây, cả nước.
Những công trình lớn hình thành trên đất nước trong thời gian đồng chí Võ Văn Kiệt đứng đầu Chính phủ đã thể hiện một tư duy đi trước, một tầm nhìn rộng và xa, một nhận thức sắc sảo trước bao bề bộn của thực tiễn xã hội, một thái độ quyết đoán. Nhưng trên hết, rõ hơn cả là một tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân.
Đó là một dạng đạo đức trách nhiệm, là phẩm chất cao quý của một đảng viên trung kiên, hiểu rõ, nắm vững và vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh cụ thể của chiến tranh, của từng giai đoạn cách mạng. Dưới một góc độ nào đó, có thể nói, đó là trí tuệ - trí tuệ Võ Văn Kiệt.
Là một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng Võ Văn Kiệt luôn là một con người có lối sống trong sáng, một tác phong bình dị, mộc mạc, gần gũi, chân tình với mọi người, từ lực lượng thanh niên, những nông dân nghèo, các nhà giáo, nhà khoa học, đến những văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, doanh nghiệp, cả những người Việt Nam sống xa Tổ quốc...
Ai ai cũng đều trân trọng, kính mến, tin yêu một con người mà khi đã một lần gặp rồi khi xa vẫn cảm thấy có Võ Văn Kiệt ở bên mình và tin mình có trong Võ Văn Kiệt. Cảm nhận ấy rất đỗi nhân văn. Tình cảm ấy của nhân dân, của cộng đồng dân tộc đã tự nhiên hội tụ, tự nhiên hình thành sự tôn vinh một nhân cách lớn: Nhân cách Võ Văn Kiệt. Đó là một nhân cách lớn mà nhân dân, xã hội đã tự tôn vinh, đã suy cử một cách tự nhiên từ trong lòng. Đó là một cái danh vĩ đại, sống mãi cùng lịch sử.
LÂM NGHĨA SỸ
(KGO) - Chủ trương sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng ta được xem là “chìa khóa” để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình và là yêu cầu tất yếu về mặt tổ chức đối với một hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh mẽ, hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển của đất nước.
Tổng số lượt truy cập: