18/04/2025 15:30
(KGO) - Kiên Giang đã vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh, bước vào thế kỷ XXI với cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ. Trong 20 năm (2000-2020), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, Kiên Giang đã ghi dấu ấn rõ nét về sự thay da đổi thịt, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới.
ĐI LÊN TỪ CÂY LÚA, CON TÔM
“Những người đã từng đặt chân đến vùng tứ giác Long Xuyên vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước thì không thể quên, toàn vùng là đất phèn, nước mặn. Mùa nắng thì khô khốc, mùa mưa úng lầy. Nhưng nơi đây giờ đã thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, với diện tích và sản lượng đứng đầu tỉnh”, ông Phan Văn Tám - nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòn Đất nói. Từ năm 2000-2020, Kiên Giang đã thực hiện một cuộc “cách mạng” trên đồng ruộng. Với hệ thống kênh thoát lũ ra biển Tây, tuyến dẫn nước ngọt từ sông Hậu đổ về, vùng tứ giác Long Xuyên bao gồm các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất từ vùng trũng về kinh tế nông nghiệp đã trỗi dậy thành vùng trọng điểm sản xuất lúa. Nông dân tích cực khai hoang, phục hóa, áp dụng cơ giới hóa và giống mới, tăng vụ, tăng năng suất.
Cầu Cái Lớn và Cái Bé bắc qua cù lao giữa sông Cái Bé và Cái Lớn (thuộc hai huyện Châu Thành và An Biên) khánh thành ngày 7-2-2014. Ảnh: TRỌNG NGHĨA
Ông Quảng Trọng Thao - nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhìn nhận: “Chúng tôi không chỉ nghĩ đến số lượng nữa, mà là chất lượng. Đến năm 2020, có 72% sản lượng lúa của tỉnh là lúa chất lượng cao, giúp tăng giá trị, thu nhập lên 100 triệu đồng mỗi héc ta, một con số không ai dám mơ tới trước năm 2000”.
Cũng trong khoảng thời gian này, chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau giúp các huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận gia tăng diện tích canh tác và sản lượng lúa. Các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành và TP. Rạch Giá vốn đã ổn định đất đai nay lại thêm đà phát triển nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ sản lượng chỉ hơn 3,45 triệu tấn lúa vào năm 2015, Kiên Giang đạt mốc 4,3 triệu tấn vào năm 2020, tăng hơn 50% so năm 2000, trong đó giá trị sản xuất tăng gấp đôi. Một bước tiến không chỉ là số liệu mà là sinh kế đổi đời của hàng trăm ngàn nông hộ.
Không chỉ ở đồng bằng, Kiên Giang còn chuyển mình mạnh mẽ từ phía biển. Những vùng chuyên canh tôm sú xuất hiện ở các huyện Kiên Lương, Hòn Đất... Mô hình nuôi cá lồng bè ở huyện Kiên Hải được nhân rộng. Đến năm 2020, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 755.000 tấn. Công tác bảo vệ nguồn lợi biển đi vào chiều sâu. Theo ông Quảng Trọng Thao, tỉnh đã tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản, chuyển hướng từ đánh bắt ven bờ sang đánh bắt xa bờ bằng tàu công suất lớn, kết hợp bảo tồn môi trường biển. Khu neo đậu tránh trú bão Xẻo Nhàu và cảng cá An Thới được nâng cấp giúp ngư dân yên tâm vươn khơi đánh bắt hải sản. Các chính sách đồng bộ này đã đưa đời sống ngư dân lên một tầm cao mới.
THÀNH PHỐ HÓA MIỀN QUÊ
Mới đây, có dịp trở lại vùng U Minh Thượng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Tân đã cảm nhận được nhiều sự đổi thay của vùng đất trước đây được gọi là vùng bán đảo Cà Mau. Là người sinh ra và trưởng thành từ vùng đất này nên ông Tân hiểu rất rõ sự khó nhọc một thời của đất và người nơi đây. Ông Tân nói: “Một thời gian dài vùng U Minh Thượng chậm phát triển do cách trở, nhưng giờ đã khác, cầu, đường giao thông thông thoáng, ô tô chạy bon bon tới từng xã, ấp, vùng căn cứ cách mạng sẽ nhanh chóng phát triển”.
Đường dây điện vượt biển từ đất liền ra xã đảo Tiên Hải (TP. Hà Tiên) dài 17km. Ngày 25-10-2019, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã tổ chức đóng điện thành công, đưa điện lưới quốc gia phục vụ gần 500 hộ dân trên đảo Hòn Đốc, trung tâm xã đảo Tiên Hải. Ảnh: TRỌNG NGHĨA
Không ngẫu nhiên mà người dân vùng U Minh Thượng ví những tuyến đường mới như “mạch máu” thổi vào những mảnh đất vốn một thời heo hút. Quốc lộ 61 nối TP. Rạch Giá đi qua các huyện Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao thông qua tỉnh Hậu Giang. Quốc lộ 63 xuyên qua các huyện vùng U Minh Thượng liền đến tỉnh Cà Mau. Đường N1 nối liền biên giới Châu Đốc về Hà Tiên. Các trục đường quanh các xã đảo cũng được hoàn thiện không chỉ là chuyện liên kết những quãng đường mà còn mở rộng tạo cơ hội cho du lịch, đầu tư phát triển.
Đặc biệt, điện lưới quốc gia đã kéo tới 6/9 xã đảo, 3 xã còn lại phát điện 24/24 giờ, nâng tỷ lệ hộ có điện trong toàn tỉnh lên 99,5%. Các chợ xã, chợ huyện mọc lên nhanh chóng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15% năm 2000 xuống còn 2,69% năm 2020. Người dân có điện, đường, có cơ hội tiếp cận từ truyền hình, điện thoại di động đến mạng lưới thương mại. Cũng trong thời gian này, kết cấu hạ tầng và năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh chóng. Cảng, bến tàu Bãi Vòng, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hồ chứa nước ngọt Dương Đông (TP. Phú Quốc) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn được xây dựng và khai thác, diện mạo đảo Phú Quốc trở nên khang trang và hiện đại.
Giáo dục, nền móng của mọi sự phát triển được quan tâm đầu tư bài bản. Từ các năm học 2015 - 2020, toàn tỉnh có 661 đơn vị trường học, với 1.492 điểm trường, hơn 11.000 phòng học, tăng 1.516 phòng so với 5 năm trước đó. Tỉnh có 295 cơ sở giáo dục đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Tỷ lệ huy động học sinh 6 - 14 tuổi đến trường đạt trên 96%. “Lúc tôi làm lãnh đạo huyện Hòn Đất, chuyện học sinh nghỉ học vì đường xa, sông sâu vẫn còn. Giờ thì xã nào cũng có trường, có lớp, giáo viên đầy đủ. Hệ thống trường trung học phổ thông cũng phát triển mạnh và nhiều, học sinh học từ mẫu giáo đến lớp 12 không cần phải đi xa. Trường lớp đã là nơi chắp cánh giấc mơ cho tụi nhỏ!”, ông Phan Văn Tám chia sẻ. Không chỉ phát triển về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng phát triển về chất lượng, đến năm 2020 tỉnh có gần 24.000 cán bộ giáo dục, trong đó có 609 thạc sĩ và 14 tiến sĩ, một sự chuẩn hóa đáng kể so với 20 năm trước.
20 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang không chỉ cải tạo được một vùng đất khó, mà còn tái định nghĩa lại khái niệm về nông thôn, nông nghiệp, nông dân trong bối cảnh hiện đại hóa. Những bước chân đi từ bùn lầy, ao cá, đồng lúa nay đã đặt trên mặt đường nhựa, đường bê tông dưới ánh điện sáng và mang theo điện thoại thông minh kết nối cả thế giới. Và như một lẽ tự nhiên, người dân Kiên Giang hôm nay từ thành thị Rạch Giá, Hà Tiên đến những xã đảo xa xôi như Thổ Châu, Nam Du đã và đang đi trên con đường của tự tin, hội nhập, của một tương lai tươi sáng.
VIỆT TIẾN
Bài 1: Khôi phục sau chiến tranh
Bài 2: Nỗ lực vượt khó và đổi mới
(KGO) - Từ ngày 15 đến 17-4, tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức hội thi huấn luyện chuyên ngành tàu cho cán bộ, sĩ quan chuyên ngành tàu.
Tổng số lượt truy cập: