02/09/2022 10:00
Ngày 2-9-1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác nêu lên một chân lý: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”…
Và Bác đã trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”…
Ngày 2-9-1969, Bác đã đi vào “thế giới người hiền” với lời dự báo có tính khẳng định như một tất yếu lịch sử: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”…
Bác ra đi, nhưng trong thời khắc lịch sử đau đớn ấy, Đảng ta và toàn thể dân tộc Việt Nam lại được vinh dự đón nhận một báu vật quý giá. Đó là bản Di chúc Hồ Chí Minh của Người để lại.
Di chúc Hồ Chí Minh là bản Di chúc có một không hai trên thế giới, một áng văn thấm đẵm chất nhân văn cao quý, làm rung động lòng người. Bản Di chúc chứa đựng muôn vàn tình thương yêu của Người dành cho dân, cho nước. Và bao trùm lên tất cả là niềm tin tuyệt đối của Người vào tương lai tất thắng của đất nước, của các thế hệ mai sau.
Đặc biệt bản Di chúc của Bác là một văn kiện có ý nghĩa thời sự sâu sắc không chỉ tại thời điểm lúc bấy giờ mà còn cho bất kỳ giai đoạn cách mạng nào của Đảng và đất nước ta. Bởi bản Di chúc ấy đã in sâu và lắng đọng trong mỗi người chúng ta từng ý, từng lời, từng câu, từng chữ. Đó là những giá trị sống, tiếp tục làm kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và mai sau.
Nhớ lại 53 năm trước ngày Bác vĩnh biệt chúng ta, đồng bào cả nước khóc Bác. Bạn bè khắp năm châu bàng hoàng xúc động. Trời đất cũng nao lòng. “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Chúng ta khóc Bác xúc động và sâu lắng của con tim. Khóc Bác trong đau thương, tiếc nuối. Nhưng đó là tiếng khóc bi hùng và bi tráng, đã vang lên từ quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Và năm lời thề của Đảng do đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tuyên đọc. Năm lời thề thiêng liêng, bất hủ ấy đã tỏ rõ tại nơi đây thật hào hùng, đanh thép, cháy bỏng và kiêu hãnh.
Bút tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Trong nước mắt giàn giụa: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề”. Trong rừng cánh tay giơ cao của hàng chục vạn con người quyết tâm thực hiện những điều Bác căn dặn. Tất cả, tất cả đồng thanh: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”. Không chỉ có rừng người ở quảng trường Ba Đình, khắp các cơ quan, đơn vị, trường học trên toàn miền Bắc, mà ở chiến trường miền Nam các đơn vị bộ đội ở trong rừng sâu, các chiến sĩ và nhân dân ở trong vùng giải phóng, kháng chiến cũng hô vang lời thề vang vọng ấy. Tại những nơi trong lòng địch, trong rào gai vùng địch kiểm soát, giữa chốn tù đày, nơi mà người người phải nuốt nước mắt vào trong lời thề cũng phải nín lặng vào sâu trong trái tim mình. Đảng và nhân dân ta bằng lời thề thiêng liêng ấy xốc lại đội hình, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, hy sinh mang lá cờ bách chiến bách thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đích cuối cùng.
Bước sang kỷ nguyên hòa bình, xây dựng và phát triển đất nước, năm lời thề thiêng liêng của thời khắc lịch sử đau thương lại tiếp tục đồng hành cùng dân tộc. Đó là lời thề: “Giương cao mãi ngọn cờ độc lập dân tộc” và “Đem hết sức mình vì sự phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”… Đó chính là nguyện ước cao nhất của Bác và lẽ sống của tất cả những người cộng sản chân chính, những người Việt Nam yêu Tổ quốc.
Điều mà Đảng ta tâm đắc nhất đó là lời thề: “Hết lòng, hết sức giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình, tăng cường sức chiến đấu của Đảng, làm hạt nhân cho khối đoàn kết toàn dân…” “Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với nhân dân”…
Có thể nói, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và năm lời thề trong Điếu văn của Đảng là một thể thống nhất không thể tách rời.Vì rằng mỗi lời thề là tiếng lòng của nhân dân, của Đảng đáp lại từng việc mà Bác căn dặn lại trong bản Di chúc.
Kỷ niệm 53 năm Di chúc Hồ Chí Minh và những lời thề của Đảng, Đảng và nhân dân ta có thể ngẩng cao đầu báo cáo với Bác về những thắng lợi và thành tựu vẻ vang đã giành được. Đất nước ngày càng phát triển, phồn vinh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc là một minh chứng hiện thực của việc làm theo Di chúc Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, một hiện thực khác cũng đang làm chúng ta nhức nhối, đau xót vì chưa làm được nhiều điều Bác dặn. Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII của Đảng đã nhìn nhận một cách nghiêm túc và chỉ rõ: Đó là tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, xa dân… Đó là tình trạng nhạt phai lý tưởng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… chưa được đẩy lùi so với yêu cầu, thậm chí một số bộ phận có mặt lại diễn biến phức tạp hơn… đã tác động tiêu cực đến việc nâng cao sức chiến đấu của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ.
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 5 lời thề thiêng liêng của Đảng là bất hủ, sống mãi và sáng mãi trong lòng Đảng và nhân dân ta trong mọi không gian và thời gian trên đất nước ta.
Kỷ niệm 53 năm thực hiện Di chúc Hồ Chí Minh, ôn lại, nhắc lại lời thề thiêng liêng ngày ấy là cần thiết cho tất cả chúng ta, cho Đảng bộ và nhân dân Kiên Giang trong việc thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh.
TRƯƠNG THANH NHÃ
(KGO) - Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân, sáng 21-11, Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Hà Nội, lên đường thăm chính thức Malaysia từ ngày 21 đến ngày 23-11.
Tổng số lượt truy cập: