13/09/2023 10:16
Đại tá Lê Văn Quý (đứng) - Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang phát biểu đóng góp dự thảo luật.
Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo dự thảo luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng do chính quyền thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân để hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng hoặc được tuyển chọn theo quy định của luật này.
Đồng chí Phạm Văn Màu (đứng) - Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Kiên Giang đóng góp các quy định về hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đa số các ý kiến nhất trí với các nhóm chính sách điều chỉnh của dự thảo luật và cho rằng đã đảm bảo phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, khả thi và tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Dự án luật bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Có đại biểu đề xuất người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Chính phủ quyết định. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cho rằng điều kiện kinh tế - xã hội ở các tỉnh, thành phố khác nhau, nên mức tiền hỗ trợ này giao HĐND cấp tỉnh quyết định cho phù hợp.
Quang cảnh cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo dự thảo luật, tiêu chuẩn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông trở lên. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình trung học cơ sở trở lên; trường hợp không đủ người thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình tiểu học.
Đại biểu cho rằng với quy định như trên, ở vùng núi, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số có những trường hợp người có uy tín nhưng họ chỉ biết đọc, biết viết, có thể chưa học xong chương trình tiểu học, đề nghị cần xem xét lại quy định tiêu chuẩn trình độ văn hóa. Cũng có đại biểu cho rằng dù địa bàn thành phố nhưng tìm người tâm huyết tham gia lực lượng cũng rất khó, nên không đặt cao yêu cầu về trình độ văn hóa mà thực tế dựa vào sự tình nguyện, năng nổ, nhiệt tình của đối tượng...
Một số đại biểu đề nghị xem xét lại quy định bố trí địa điểm, nơi làm việc, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tin và ảnh: TRÚC LINH
(KGO) - Sáng 4-12, các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Phương Tuấn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Thị Kim Bé - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang; Châu Quỳnh Dao - Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP. Rạch Giá) tiếp xúc cử tri xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải.
Tổng số lượt truy cập: