12/11/2022 19:23
Tiến sĩ Chu Văn Hưởng - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang cho biết, Trường Chính trị tỉnh tổ chức hội thảo lần này nhằm trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về công tác cải cách hành chính của các nhà khoa học, nhà quản lý và các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.
Trên cơ sở các ý kiến đề xuất, tham luận tại hội thảo, Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang sẽ chủ động tư vấn chính sách cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành các chủ trương, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Quang cảnh hội thảo.
Thạc sĩ Võ Thái Bình - Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật Trường Chính trị tỉnh Bến Tre đề xuất những định hướng cải cách hành chính địa phương trong xu thế hội nhập, đổi mới và phát triển.
Thạc sĩ Võ Thái Bình cho rằng muốn phát huy hiệu quả cải cách hành chính địa phương trong thời gian tới, trước hết phải xác định cải cách hành chính địa phương là bộ phận không thể tách rời các cải cách hành nhà nước và đổi mới hệ thống chính trị.
Hai là nhận diện đúng và giải quyết tốt những vấn đề phát sinh, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính địa phương, bắt nhịp với xu thế hội nhập, đổi mới và sáng tạo.
Thạc sĩ Võ Thái Bình trình bày tham luận "Cải cách hành chính địa phương - những vấn đề đặt ra trong xu thế hội nhập, đổi mới sáng tạo và phát triển".
Đại diện Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, đồng chí Mai Thanh Bình - Trưởng Phòng Cải cách hành chính và Tổ chức phi chính phủ cho rằng việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính là hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề xuất các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở Kiên Giang, đồng chí Mai Thanh Bình đề nghị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đến cơ sở đối với công tác cải cách hành chính.
Các sở, ban, ngành trong tỉnh Kiên Giang tiếp tục rà soát lại các tiêu chí thành phần về cải cách hành chính; nắm chắc các tiêu chí về đánh giá chỉ số cải cách hành chính để có giải pháp, kế hoạch thực hiện đạt hiệu quả.
Song song song đó, chủ động trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp trong giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận này có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng giao tiếp và thái độ tận tình trong phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trưởng Phòng Cải cách hành chính và Tổ chức phi Chính phủ (Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang) Mai Thanh Bình (đứng) phát biểu tại hội thảo.
Đề cập đến việc nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách, một số đại biểu cho rằng vai trò của người đứng đầu các sở, ngành và địa phương có yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác cải cách hành chính. Bởi qua đánh giá kết quả thực tế cho thấy, đơn vị nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, có am hiểu sâu và quyết tâm thì nơi đó hiệu quả công tác cải cách hành chính được nâng cao.
“Người đứng đầu các sở, ngành và địa phương cần thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính đối với các đơn vị trực thuộc cơ quan, địa phương. Qua kiểm tra, chỉ đạo chấn chỉnh và đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục”, Thạc sĩ Thái Châu Báu - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang đề xuất.
Theo Thạc sĩ Thái Châu Báu, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung, giải pháp đã đề ra theo Kế hoạch số 174/KH-UBND, ngày 20-9-2021 của UBND tỉnh Kiên Giang, trong đó tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề: Cải cách hành chính, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Thạc sĩ Thái Châu Báu - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Kiên Giang đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian tới.
Cải cách thể chế là nội dung đầu tiên, trọng tâm trong 6 nhiệm vụ của công cuộc cải cách hành chính. Đề xuất các giải pháp tiếp tục cải cách thể chế góp phần nâng cao quản lý của chính quyền các cấp ở tỉnh Kiên Giang, Thạc sĩ Giang Thị Đào Thơ - Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang đề nghị chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Song song đó, tiếp tục triển khai xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính của tỉnh. “Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi chính quyền các cấp của tỉnh phải tăng cường rà soát, nắm bắt quy định của hệ thống văn bản pháp luật để hiểu rõ thẩm quyền, nhu cầu, yêu cầu, nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh. Bên cạnh đó, tăng cường rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với các văn bản đã hết hiệu lực”, Thạc sĩ Giang Thị Đào Thơ trình bày trong tham luận.
Tại hội thảo, một số đại biểu đề xuất Kiên Giang cần chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền công tác cải cách hành chính; quan tâm đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cho Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kiên Giang, đồng thời nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở trung tâm này; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…
Các đại biểu dự hội thảo.
Kết luận hội thảo, Thạc sĩ Lâm Phước Hải - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh đẩy mạnh cải cách hành chính là một trong những khâu đột phá rất quan trọng, hướng tới nền hành chính hiện đại, xây chính quyền thân thiện, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ là nhu cầu cấp thiết hiện nay.
Từ kết quả đạt được của hội thảo này, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ở tỉnh Kiên Giang cần phát huy tinh thần, trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; vận dụng sáng tạo các nội dung, kết quả của hội thảo vào giảng dạy, nghiên cứu, học tập, công tác và phục vụ cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát kinh tế - xã hội của tỉnh trong tình hình mới.
Tin và ảnh: TÚ MINH
Theo ban tổ chức, hội thảo nhận được hơn 70 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, các giảng viên đến từ các học viện, các trường chính trị, đại học, cao đẳng, đại diện UBND các huyện, thành phố và các cơ quan ban, ngành trong và ngoài tỉnh Kiên Giang. Ban tổ chức hội thảo đã tuyển chọn được 52 bài tham luận có chất lượng cao để đưa vào tài liệu hội thảo khoa học.
(KGO) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang phân công Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện An Biên Trần Minh Sao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐND huyện An Biên nhiệm kỳ 2021-2026.
Tổng số lượt truy cập: