23/02/2023 18:40
NHIỀU KẾT QUẢ NỔI BẬT
Đầu tiên phải kể đến việc tỉnh Kiên Giang đã xây dựng mới trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công với đầy đủ tiện nghi, hiện đại nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tỉnh củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo cải cách hành chính ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và ở các sở, ngành, trong đó người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là trưởng ban chỉ đạo.
Thời gian qua, tỉnh thực hiện tốt việc giao ban ban chỉ đạo cải cách hành chính để qua đó kịp thời đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và của từng ngành, địa phương.
Năm 2022, Kiên Giang tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham dự của Bộ Nội vụ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, các chuyên gia… để phân tích, đánh giá, xác định rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong công tác cải cách hành chính của tỉnh ngay sau khi Bộ Nội vụ công bố kết quả năm 2021. Qua đó, tiếp thu các ý kiến góp ý và đề ra giải pháp khắc phục, cải thiện và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện rất cụ thể với 55 nhiệm vụ, tập trung giải quyết tốt 3 nhóm vấn đề cải cách hành chính, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình.
Kiên Giang đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính như ký thỏa thuận hợp tác với VNPT, Zalo và thiết lập kênh truyền thông chuyển đổi số trên Zalo (tổng đài 1022 Kiên Giang) để hỗ trợ tra cứu thông tin tình hình giải quyết thủ tục hành chính và tiếp nhận phản ánh kiến nghị có liên quan thủ tục hành chính.
Đến nay, Kiên Giang cung cấp 1.977 dịch vụ công trực tuyến, trong đó đã cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên toàn trình. Tỉnh đã kết nối thanh toán trực tuyến với 6 ngân hàng và các hệ thống thanh toán trực tuyến, ví điện tử như VNPT Pay, MoMo, Viettel Pay.
Hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức trong và ngoài tỉnh nhanh chóng, hiệu quả.
Tỉnh hoàn thành việc hợp nhất và đưa vào vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Kiên Giang tích hợp, liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia và kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Kiên Giang đã xây dựng và đưa vào hoạt động Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp vào ngày 23-7-2022. Đây là kênh thông tin chính thức cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách của tỉnh, các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân truy cập thông tin, chính sách để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Cùng với đó, đã hoàn thành việc triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan nhà nước kết nối các sở, ban, ngành tỉnh với 15 huyện, thành phố và 144 xã, phường, thị trấn. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, điều hành thông suốt, nhanh chóng từ tỉnh đến cấp xã trên môi trường mạng.
Người dân được hướng dẫn bấm máy lấy số thứ tự khi đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Kiên Giang.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Thông, thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai có hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng, phục vụ phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Song song đó, tăng cường tuyên truyền và phân công công chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức nộp hồ sơ, nhất là hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh (ở 3 cấp), qua dịch vụ bưu chính công ích và trực tuyến. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính giảm nhiều so với quy định; quy trình giải quyết thường xuyên được cập nhật; hồ sơ giải quyết trước và đúng hạn đạt tỷ lệ cao.
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thông nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh còn gặp một số hạn chế, khó khăn như thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn còn phổ biến. Thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân chậm thay đổi, nhất là khu vực nông thôn, biển, đảo và nhóm người cao tuổi; tâm lý sợ mất an toàn do những thông tin trái chiều gây mất niềm tin cho người dân. Một bộ phận người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin. Tất cả điều này đã ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến.
Hiện điều kiện cơ sở hạ tầng mạng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang còn hạn chế, một số vùng sóng kết nối internet yếu và chậm nên gây khó khăn trong việc nâng cao số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Nguồn nhân lực trong chuyển đổi số còn gặp khó khăn, nhất là yêu cầu phải có công chức chuyên trách (hiện nay đa phần là kiêm nhiệm).
Đồng chí Nguyễn Hoàng Thông cho biết, để thực hiện có hiệu quả việc cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trong thời gian tới, Kiên Giang tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của ban chỉ đạo cải cách hành chính các cấp, xác định chuyển đổi số và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Tỉnh sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, nhất là ở cơ sở. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng lên nhận thức của cán bộ, công chức và tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Kiên Giang sẽ ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ theo hướng tích hợp, chia sẻ, dùng chung dữ liệu và tài khoản, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sử dụng dịch vụ. Xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật để phủ sóng thông tin di động nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp kết nối internet sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Tỉnh sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp. Đồng thời, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.
Bài và ảnh: THANH BÌNH
(KGO) - Sáng 14-11, tại Kỳ họp thứ hai mươi tám (Kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Kiên Giang đã xem xét và thông qua 13 dự thảo nghị quyết. Đây là những nghị quyết quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Tổng số lượt truy cập: