06/01/2023 14:31
Phóng viên các báo tác nghiệp tại một sự kiện của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: THANH DƯ.
Theo báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí năm 2022” mà RSF đưa ra, Việt Nam tiếp tục nằm trong những quốc gia có tình hình báo chí “rất tồi tệ” với mức xếp hạng 174/180 quốc gia được khảo sát. Đây không còn là vấn đề xa lạ, kể từ khi được thành lập cho đến nay, tổ chức RSF luôn đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia không có tự do báo chí, tự do ngôn luận. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Xét về cơ sở của việc đánh giá, RSF căn cứ các điều kiện như tính đa nguyên, tính độc lập của phương tiện truyền thông, môi trường truyền thông, khả năng tự kiểm duyệt, khuôn khổ pháp luật, tính minh bạch, chất lượng của cơ sở hạ tầng hỗ trợ việc sản xuất tin tức và thông tin để làm tiêu chí khảo sát. Nhìn qua thì tưởng đây là tổ chức chân chính, hoạt động vì sự tiến bộ, văn minh của loài người. Nhưng xét kỹ sẽ thấy, RSF chỉ đưa ra các tiêu chí, chứ không đưa khái niệm cụ thể, thế nào là tự do báo chí.
Trong quá trình lập bảng và đưa ra khảo sát, tổ chức này cũng không căn cứ, cân nhắc đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt, mà chỉ áp dụng các quan điểm và quy tắc của những nước tư bản như Mỹ, Pháp..., không hề để ý đến những quốc gia theo chủ nghĩa xã hội với hệ tư tưởng hoàn toàn khác biệt. Vì vậy, phương pháp này của họ chỉ mang tính chủ quan, thiếu minh bạch và không có cơ sở. Họ đòi hỏi các nước phải có tự do báo chí, nhưng là “tự do báo chí tuyệt đối”, nằm ngoài khuôn khổ pháp luật. Trên cơ sở này, họ tung hô, ca ngợi những người lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc xây dựng đất nước ở Việt Nam... mà quên mất một điều rằng, không một quốc gia nào trên thế giới có được sự tự do báo chí tuyệt đối, mọi hoạt động báo chí đều nằm trong khuôn khổ pháp luật của quốc gia đó.
Từ đó cho thấy, mục đích của việc xếp hạng này không phải để giúp Việt Nam có được sự tự do báo chí, tiến tới sự phát triển, mà thực chất chỉ là chiêu trò xuyên tạc, bóp méo tình hình báo chí ở Việt Nam; lấy đó làm cơ sở để công kích các vấn đề về nhân quyền, dân chủ, tự do vốn là một trong những chiêu bài mà các nước phương Tây luôn áp dụng để hạ bệ, chống đối nhằm làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, của cơ quan báo chí; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền được “phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức và cá nhân”.
Điều cần lưu ý là các công ước quốc tế về quyền con người cũng như luật pháp của các nước đều coi tự do báo chí là một quyền cơ bản, nhưng đó không phải là quyền tự do tuyệt đối mà phải có giới hạn nhất định và thực hiện quyền này ở mỗi quốc gia là khác nhau, tùy theo tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của quốc gia đó.
Việt Nam không có chế độ kiểm duyệt báo chí, Nhà nước luôn đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân được thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nhưng việc thực hiện các quyền này phải được giới hạn trong khuôn khổ pháp luật. Không một tổ chức hay cá nhân nào được phép lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận để xâm hại đến lợi ích quốc gia, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Đây là những quy định phù hợp với thực tiễn, hoàn toàn tương thích về mặt luật định đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Một buổi họp báo do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Kiên Giang tổ chức. Ảnh: TÂY HỒ.
Việt Nam hiện có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình và khoảng 41.000 người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Báo chí Việt Nam thực sự trở thành diễn đàn và công cụ để bảo vệ tự do và lợi ích của nhân dân. Mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo... đều có quyền phát biểu, đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cấp chính quyền thông qua báo chí. Từ đó, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội; tăng cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là cầu nối quan trọng với bạn bè quốc tế.
Việc bất chấp thực tiễn và sự áp đặt vô lý của tổ chức RSF suy cho cùng cũng vì mục đích chính trị và kinh tế, hòng biến báo chí trở thành công cụ đắc lực phục vụ quyền lợi cho các nhà tư bản, kéo dài sự phụ thuộc và mở rộng ảnh hưởng của các nước tư bản phương Tây lên những quốc gia khác.
Tự do báo chí ở xã hội nào cũng chỉ mang tính tương đối, nó phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở mỗi thời kỳ và các nước phương Tây tự nhận có nền “tự do báo chí” cũng không ngoại lệ. Vì vậy, việc phản ánh sai lệch, thiếu trung thực về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam của tổ chức RSF đã trở thành những luận điệu lạc lõng.
MINH VY
(KGO) - Tại hội nghị sơ kết công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, Ban Chỉ đạo 35 Huyện ủy Châu Thành (Kiên Giang) cho biết 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Ban Chỉ đạo 35 Huyện ủy Châu Thành phát động 10 đợt có trên 200 lượt đấu tranh, tấn công các tài khoản Facebook phản động, tiêu cực.
Tổng số lượt truy cập: