18/03/2024 09:28
BỊ XỬ PHẠT VÌ GÂY Ô NHIỄM
Nhiều hộ dân sống xung quanh nhà máy sản xuất nước mắm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hương Hương Giang (tọa lạc đường Phan Đăng Lưu) cho biết trong thời gian qua khi nhà máy hoạt động phát sinh mùi hôi, nhất là vào ban đêm. Từ 1 đến 5 giờ sáng mùi hôi nặng hơn. Trong quá trình hoạt động, nhà máy có xả nước thải chưa qua xử lý ra kênh. “Chúng tôi sống xung quanh nhà máy chịu cảnh hôi thối rất khó chịu. Tôi kiến nghị nhiều lần nhưng tình trạng vẫn chưa được xử lý triệt để”, ông Trương Đắc Thắng, ngụ đường Phan Đăng Lưu nói.
Nhiều người dân cho biết năm 2018 nhà máy sản xuất nước mắm được chủ cũ là bà N bán lại cho một người ở tỉnh Vĩnh Long. Từ đó đến nay, nhà máy liên tục gây hôi thối. Nước thải phát sinh tại khu vực bến nhập nguyên liệu còn thoát trực tiếp ra kênh gây ô nhiễm môi trường. “Tôi đề nghị cơ quan chức năng di dời nhà máy đi nơi khác hoặc khắc phục triệt để ô nhiễm để người dân có thể sinh sống, chứ sống trong cảnh hôi thối thế này ai chịu được”, chị Nguyễn Thanh Thảo, ngụ đường Phan Đăng Lưu cho biết.
Qua tìm hiểu của phóng viên, nhà máy sản xuất nước mắm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hương Hương Giang được bà Trần Bích Giang mua lại của chủ cũ ngày 5-1-2018. Công suất thiết kế của nhà máy tại thời điểm chuyển nhượng là 3 triệu lít sản phẩm/năm. Tổng diện tích nhà máy 5.810,1m2. Năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra phát hiện nhiều sai phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường của nhà máy này. Tuy nhiên, sở cho rằng công ty mới thay đổi chủ sở hữu và hoạt động cầm chừng nên chưa rà soát, thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường không trình cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hương Hương Giang.
DI DỜI NGUYÊN LIỆU GÂY HÔI THỐI
Phó Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường tỉnh Kiên Giang Trần Hoàng Thanh cho biết ngày 20-12-2023 Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang thành lập đoàn kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hương Hương Giang. Qua kiểm tra, đoàn có báo cáo cho giám đốc sở.
Nhà máy sản xuất nước mắm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hương Hương Giang nhìn từ trên cao.
Đoàn kiểm tra cho rằng từ khi bị xử phạt và đình chỉ hoạt động đến nay, công ty không nhập thêm nguyên liệu mới để ủ, chỉ hút lượng nước mắm thành phẩm từ nguyên liệu ủ tồn trước khi bị đình chỉ hoạt động đem về tỉnh Vĩnh Long để xử lý. Công ty đã đem đi 10 xe, 6m2/xe. Trong nhà máy còn 57 bể bê tông đang ủ, 11 bể chứa nước mắm thành phẩm, 11 bồn nhựa 5.000 lít/bồn đang chứa nước bổi và 40 bồn nhựa 5.000 lít trống.
Công ty đã xin phép và được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang cấp phép sử dụng bến cảng lên hàng, tiến hành xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải; hệ thống phun khử mùi tại các cửa ra vào nhà xưởng, lập báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường và được UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường ngày 25-5-2023, giảm công suất hoạt động từ 3 triệu lít sản phẩm/năm xuống còn 900.000 lít thành phẩm/năm.
Đoàn kiểm tra đã mời các hộ dân có đơn phản ánh đến làm việc và ghi nhận các ý kiến phản ánh. Các hộ dân đề nghị di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư. Qua kiểm tra tại nhà máy, đoàn kiểm tra nhận thấy các ý kiến phản ánh của người dân là đúng sự thật. Đồng chí Trần Hoàng Thanh cho biết từ khi bị đình chỉ hoạt động đến nay, công ty không nhập thêm nguyên liệu để ủ mà chỉ hút nước mắm thành phẩm về tỉnh Vĩnh Long để xử lý. Trong quá trình hút và vận chuyển gây mùi hôi thối nên người dân có đơn gửi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.
KIẾN NGHỊ CHO HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI
Hiện công ty đã chấp hành nộp tiền phạt vi phạm hành chính và đã thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo yêu cầu của quyết định xử phạt vi phạm hành chính và được UBND tỉnh Kiên Giang cấp giấy phép môi trường. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho phép công ty đi vào hoạt động trở lại nhưng phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nội dung giấy phép môi trường đã được cấp.
Cụ thể, công ty phải di dời các bồn nhựa 5.000 lít (chứa nước bổi), vệ sinh các bể ủ chượp không tiếp tục sử dụng ủ (do giảm công suất hoạt động) theo nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đã được cấp. Công ty thực hiện vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải của dự án đầu tư theo quy định, thực hiện quy trình ủ theo đúng nội dung báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường, chỉ ủ cá cơm tươi đủ chất lượng.
Khi nhập và xuất nguyên liệu, thành phẩm, công ty phải báo cáo với chính quyền địa phương để giám sát việc thực hiện, tiến hành trải bạt toàn bộ diện tích khu vực xuất nhập nguyên liệu, xác cá để thu gom xác cá và nước thải rơi vãi. Công ty phải vận hành thường xuyên hệ thống phun sương giảm thiểu mùi hôi trong quá trình hoạt động theo nội dung giấy phép môi trường đã được cấp. Đồng thời phải thực hiện di dời vào khu sản xuất tập trung khi chính quyền địa phương yêu cầu.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn 4, Quân khu 9 trân trọng gửi tới các đồng chí đã và đang công tác tại Sư đoàn qua các thời kỳ lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.
Tổng số lượt truy cập: