05/06/2023 15:38
Ông N.T.C (sinh năm 1962), ngụ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường An Hòa, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết năm 2022, ông đến Công an TP. Rạch Giá làm thủ tục cấp căn cước công dân. Tất cả giấy tờ từ trước đến nay của ông đều thể hiện tên N.T.C, tuy nhiên khi làm thủ tục, cán bộ tại nơi tiếp nhận thủ tục cấp căn cước công dân đề nghị ông trở về phường sửa thông tin vì chữ lót trong họ tên thiếu dấu nặng.
Sau khi sửa xong, ông C tiếp tục đến Công an TP. Rạch Giá để làm thủ tục cấp căn cước công dân thì lần này lại được đề nghị về Công an phường An Hòa sửa tiếp một ký tự trong tên không được viết hoa.
Đến khi lần thứ ba đi làm thủ tục cấp căn cước công dân, ông C được thông báo rằng dấu vân tay bị trùng với một người khác. “Tôi rất bức xúc khi cái sai không phải lỗi do tôi nhưng phải đi lại nhiều lần mới làm được căn cước công dân. Đến ngày 14-4, tôi mới làm xong căn cước công dân sau nhiều lần đi lại. Đến nay vẫn chưa được nhận thẻ căn cước”, ông C nói.
Một trường hợp khác, bà H.T.X (sinh năm 1965), ngụ khu dân cư An Bình, phường An Bình, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết năm 2022, bà đến Công an TP. Rạch Giá để làm thủ tục cấp căn cước công dân nhưng được cán bộ tiếp nhận đề nghị trở về Công an phường An Bình sửa tên mẹ của bà cho phù hợp với giấy khai sinh.
Bà X nói: “Trước giờ tất cả giấy tờ của tôi đều thể hệ tên mẹ không khác nhau. Giấy khai sinh và các giấy tờ khác đều đúng nhưng thông tin trong hệ thống của ngành công an lại sai và đề nghị tôi tự đi sửa. Tôi đề nghị ai nhập sai thông tin thì phải sửa nhưng cán bộ cấp căn cước công dân Công an TP. Rạch Giá trả lời không tự sửa được, phải trở về công an phường sửa. Nếu không sửa thì không cấp căn cước công dân được. Để cho xong việc, tôi phải tự đi sửa thông tin, sau đó mới được cấp căn cước công dân”.
Chị P.N.T, ngụ xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) được cấp căn cước công dân ngày 13-7-2022 nhưng số định danh cá nhân lại thể hiện là mã số có giới tính nam. Khi chị T đi sửa thông tin trên căn cước công dân thì được cán bộ công an cho biết phải chờ vài tháng để xử lý. Trong quá trình chờ đợi, chị T không thể thực hiện được một số thủ tục pháp lý.
Bà H.T.X, ngụ khu dân cư An Bình, phường An Bình TP. Rạch Giá (Kiên Giang) phải đi sửa họ tên mẹ của bà trong hệ thống vì thiếu dấu nặng trong tên, sau đó mới được cấp căn cước công dân.
Không riêng các trường hợp trên, thời gian qua nhiều người dân phải tự đi sửa thông tin cá nhân để đủ điều kiện cấp căn cước công dân theo quy định hoặc khi đã cấp nhưng lại phát hiện sai thông tin trên căn cước công dân, lại phải đi sửa. Điều đáng nói, rất nhiều sai sót không phải lỗi do người dân.
Để làm rõ phản ánh của người dân, sáng 1-6-2023, phóng viên đã chuyển thông tin các trường hợp trên đến lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang để tìm hiểu nguyên nhân. Một lãnh đạo đơn vị này cho biết sẽ tiếp nhận thông tin để kiểm tra và sẽ trả lời bằng cách gặp giải thích hoặc có văn bản trả lời cho công dân. Kết quả đối với trường hợp ông C có dữ liệu dân cư đúng, căn cước công dân của ông C đã được Công an tỉnh Kiên Giang duyệt cấp ngày 17-4-2023. Hiện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an chưa gửi căn cước công dân về cho tỉnh.
Đối với trường hợp chị T, tỉnh Kiên Giang đã đề nghị hủy số định danh cá nhân cấp sai, đang chờ Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội duyệt hủy rồi sẽ cấp số mới. Sự việc đã phản ánh đến Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an trưa 1-6-2023. Đến chiều 1-6-2023, phóng viên nhận được thông tin từ lãnh đạo Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Kiên Giang, chị T đã có số định danh cá nhân mới.
Bài và ảnh: TÂY HỒ
(KGO) - Đảng ủy, Ban Chỉ huy Sư đoàn 4, Quân khu 9 trân trọng gửi tới các đồng chí đã và đang công tác tại Sư đoàn qua các thời kỳ lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.
Tổng số lượt truy cập: