08/04/2021 09:55
Con trai lớn của chị Bé Ba bị bệnh bại não lúc 17 tháng tuổi. 11 năm trôi qua, chị Bé Ba như còn nguyên cảm giác đớn đau khi ôm con vào lòng ngược xuôi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác với hy vọng còn nước còn tát. Nhưng số phận nghiệt ngã, con chị không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Năm 2011, chị Bé Ba có bầu đứa con thứ hai.
Căn nhà của đôi vợ chồng trẻ như được thắp lên hy vọng khi con trai kế là em Đặng Hoàng Khải - học sinh lớp 4/3 Trường Tiểu học Thạnh Phước ra đời. Bé Khải khỏe mạnh, thông minh, mới 10 tuổi đã biết nhặt rau, quét dọn nhà khi mẹ đi làm.
Lần đến thăm gia đình chị Bé Ba gần đây, hình ảnh bé Khải ngồi bên cạnh chơi đùa cùng anh hai bị bại não trên nền gạch làm nhiều thành viên trong đoàn rơi nước mắt. “Con thương anh hai lắm, lúc nào con không học bài hay phụ ba mẹ là con chơi với anh để anh vui. Con ước sau này làm bác sĩ để trị bệnh cho gia đình và mọi người”, Khải ngây thơ nói. Dù gia cảnh khó khăn nhưng Khải luôn là học sinh khá giỏi nhiều năm liền. Đôi mắt sáng, cách nói chuyện lễ phép của Khải khiến bất kỳ ai lần đầu gặp mặt cũng có thiện cảm.
Từ ngày đổ bệnh, anh Đặng Hoàng Công ở nhà trông con trai bị bại não, không thể lao động như trước.
Nhà không ruộng đất, nguồn thu nhập chính của vợ chồng chị Bé Ba chủ yếu từ làm thuê. Anh Đặng Hoàng Công - chồng chị Bé Ba thì vác lúa, cắm câu; chị dặm lúa, nhổ cỏ mướn, phụ chồng đào đất mướn. Cuộc sống cứ tưởng êm đềm trôi qua thì bỗng dưng đau thương ập đến. 2 năm trước, để có tiền cho con mua tập sách lúc tựu trường, chị Bé Ba cùng chồng lên Đồng Nai làm công nhân. Chưa được bao lâu, anh Công bị xỉu khi đang bốc vác tại xưởng gạch.
Anh được người tốt bụng đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Theo lời bác sĩ nói với chị Bé Ba, anh Công bị khối u ở não và bị động kinh, nếu mổ không thành công sẽ có nguy cơ bị liệt suốt đời. Điều kiện gia đình khó khăn, vợ chồng chị Bé Ba xin xuất viện về nhà và điều trị bằng thuốc bắc.
Từ ngày anh Công bệnh, mọi công việc trong ngoài đều do chị Bé Ba cáng đáng. Đôi mắt mệt mỏi cùng gương mặt tiều tụy, chị Bé Ba gượng cười khi nói về hoàn cảnh gia đình mình: “Tôi phải ráng làm để lo tiền thuốc mỗi tháng 3,5 triệu đồng cho chồng, con trai bị bại não rồi tiền gạo, mắm. Tôi mong mình khỏe mạnh để lo cho cả nhà, giờ tôi ngã quỵ thì ai lo cho cha con nó”.
Dứt lời, chị Bé Ba quay đi giấu đôi mắt đỏ hoe, nhanh tay xốc lại mớ ống trúm chuẩn bị cho buổi đánh bắt ngoài đồng. Công việc này trước đây của anh Công, nhưng từ khi đổ bệnh anh thường bị lên cơn động kinh nên không thể lao động. Thương chồng, chị Bé Ba giành hết công việc về mình. Mỗi ngày của chị bắt đầu từ 4 giờ sáng. Sau khi cơm nước cho chồng con, chị bơi xuồng đi thăm trúm rồi tất tả ra chợ cho kịp buổi chợ sớm.
Mong cộng đồng quan tâm hỗ trợ nhằm phần nào chia sẻ khó khăn cùng gia đình chị Bé Ba. Mọi sự giúp đỡ, xin gửi về chị Lý Thị Bé Ba, ngụ ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Phước, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; điện thoại 0352778442 hoặc Báo Kiên Giang, số 16 Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; điện thoại: 02973.862012; số tài khoản quỹ hỗ trợ đồng bào nghèo 7700201008283 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Kiên Giang (khi chuyển khoản, bạn đọc vui lòng ghi rõ “Ủng hộ gia đình chị Bé Ba” cùng họ và tên, địa chỉ người gửi). |
Bài và ảnh: ĐẶNG LINH
(KGO) - Sáng 7-1, chuyến hàng bình ổn thị trường đầu tiên của tỉnh Kiên Giang đã cập bến đảo Hải Tặc, xã đảo Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) phục vụ nhu cầu mua sắp của người dân Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tổng số lượt truy cập: