23/06/2020 15:43
Gia đình anh Nguyễn Văn Trung thuộc hộ nghèo, không đất canh tác. Cha mẹ anh Trung qua đời sớm, họ hàng khó khăn, đa số làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Trước khi anh Trung bị bệnh, vợ chồng anh làm công nhân cạo mủ cao su ở tỉnh Tây Ninh. Anh Trung kể tháng 8-2018, anh bị đau bụng quặn thắt, cơn đau âm ỉ, có khi sốt. Anh đi khám nhiều nơi nhưng không ra bệnh nên mỗi khi đau, anh tự mua thuốc uống. Hơn 3 tháng sau, bệnh trở nặng, không làm việc được nên anh Trung đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) khám. Bác sĩ cho biết anh bị viêm đại tràng, nổi hạch ở ruột cần mổ gấp.
Cuối năm 2018, anh Trung làm phẫu thuật, chi phí hơn 100 triệu đồng, sau khi mổ phải để một phần ruột ra ngoài làm hậu môn nhân tạo, chờ một thời gian cho đại tràng lành mới có thể đặt ruột vào cơ thể. Anh Trung cho biết: “Để làm phẫu thuật đặt ruột vào cơ thể phải tốn hơn 50 triệu đồng. Nhiều năm qua, vợ chồng tôi để dành 100 triệu đồng để cất nhà và tiền của nhà hảo tâm hỗ trợ cũng dùng hết nên tôi đành để vậy”.
Hàng ngày, anh Trung phải thường xuyên thay túi hậu môn nhân tạo, giá 1 hộp (khoảng 30 cái) hơn 1 triệu đồng. Vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Trung vừa nhấn vào phần thành bụng dán túi hậu môn. Mấy ngày nay, trời nóng dễ đổ mồ hôi làm đế dán của túi không thể dính vào da, dễ bị tuột, anh phải thay cái mới nếu không dễ bị nhiễm trùng.
Em Nguyễn Văn Hiếu - con anh Nguyễn Văn Trung giúp cha kiểm tra túi hậu môn nhân tạo.
Khi anh Trung bệnh, vợ đưa anh cùng con trai đến tỉnh Bình Dương sống để tiện việc khám, chữa bệnh cho anh. Sau khi mổ đại tràng, anh Trung không đủ sức khỏe làm việc ở Bình Dương nên cùng con trai về quê sinh sống. Hiện vợ anh Trung làm công nhân cho một công ty Hàn Quốc, mỗi tháng vợ anh gửi về cho anh từ 1 - 3 triệu đồng. Anh Trung nói: “Vợ tôi ở trọ một mình trên Bình Dương, với mức lương công nhân ít ỏi, vợ tôi phải thường xuyên tăng ca để gửi tiền về cho cha con tôi”.
Về quê, anh Trung nuôi gà nhưng mọi người khuyên anh không nên nuôi vì dễ bị nhiễm trùng. Hiện anh đi câu cá kiếm thức ăn qua ngày cho hai cha con. Anh Trung chia sẻ: “Tôi muốn đi bán vé số để kiếm thu nhập, đỡ đần cho vợ nhưng bệnh làm tôi không thể kiểm soát được lượng chất thải, mùi hôi, cả âm thanh khó nghe của hậu môn nhân tạo nên tôi không đi bán vé số được”.
Anh Trung và con đang ở trong căn nhà do cha mẹ anh để lại. Cột nhà xiêu vẹo, mái tole cũ, rách, nếu trời giông bão, nhà anh có thể sập bất cứ lúc nào. Chị Nguyễn Thị Bích Lan - hàng xóm anh Trung nói: “Nhờ nhà hàng xóm hai bên vững chắc và cao nên nhà anh Trung được che chắn, tuy nhiên nếu trời mưa lớn sẽ ngập”. Sau khi mổ đại tràng, việc ăn uống của anh Trung khó khăn hơn, nếu không nhai kỹ thức ăn sẽ gây tắc ruột dẫn đến đau bụng từ 4 - 5 tiếng, có khi giữa đêm anh sốt cao và đau, lúc này con anh chạy qua nhà hàng xóm nhờ người lớn giúp đỡ.
Theo chị Lê Thị Ngân - hàng xóm của anh Trung, anh là người hiền lành, chăm chỉ, sống tiết kiệm nên được mọi người yêu quý, hỗ trợ tiền, gạo, sữa giúp anh và con sống qua ngày. Chị Ngân vận động nhà hảo tâm giúp đỡ anh nhưng cũng chỉ hỗ trợ được một phần nhỏ, không thể trị dứt điểm căn bệnh. “Số tiền làm phẫu thuật cho anh Trung quá lớn, tôi mong các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ để anh Trung được phẫu thuật”, chị Ngân nói.
Mọi sự giúp đỡ gia đình anh Nguyễn Văn Trung, bạn đọc vui lòng liên hệ anh Nguyễn Văn Trung, ngụ khu phố Vĩnh Đông 1, thị trấn Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận), điện thoại 0977.479.691 hoặc Báo Kiên Giang, số 16 đường Mạc Đĩnh Chi, phường Vĩnh Thanh (TP. Rạch Giá), số tài khoản: 7700201004667 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Kiên Giang (khi chuyển khoản, bạn đọc vui lòng ghi chú: Ủng hộ anh Nguyễn Văn Trung), điện thoại: 02973.862.012. |
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Sáng 7-1, chuyến hàng bình ổn thị trường đầu tiên của tỉnh Kiên Giang đã cập bến đảo Hải Tặc, xã đảo Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) phục vụ nhu cầu mua sắp của người dân Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Tổng số lượt truy cập: