22/03/2024 11:09
Bánh dứa còn được gọi là bánh rây hay ọm chiếl, là món bánh truyền thống của đồng bào Khmer. Đây là loại bánh giúp bà Hận giành nhiều huy chương vàng, bạc tại các lễ hội ẩm thực bánh dân gian Nam bộ.
Bà Hận nói: “Từ nhỏ, tôi được bà và mẹ dạy làm bánh truyền thống, trong đó có bánh dứa. Tôi tham gia nhiều lễ hội để giới thiệu, quảng bá bánh dứa”.
Bánh dứa của bà Thị Hận giành nhiều huy chương vàng, bạc tại các lễ hội ẩm thực bánh dân gian Nam bộ.
Theo bà Hận, bánh dứa nhìn dễ làm nhưng để bánh ngon phải trải qua quá trình chuẩn bị công phu, tỉ mỉ và có sự khéo tay của người thợ.
Nguyên liệu tạo màu cho bánh dứa từ lá cẩm hoặc lá dứa hoặc hoa đậu biếc giúp bánh có màu tự nhiên và mùi thơm hấp dẫn. Nhân bánh là cơm dừa, đậu phộng xào với đường thốt nốt làm cho bánh có vị béo, thơm, ngon đặc trưng.
Công đoạn đòi hỏi khéo tay nhất là rây bột, đợi chảo nóng lên, cho bột vào rổ lưới rồi dùng tay rây nhẹ để bột rơi đều lên mặt chảo một lớp mỏng theo hình tròn, sau đó để nhân lên phần giữa của bánh, đậy nắp đợi bánh vàng đều rồi cuốn lại là có thể thưởng thức.
Bà Hân chia sẻ bí quyết làm bánh ngon: "Tỷ lệ giữa bột nếp và nước không hợp lý và làm không đúng kỹ thuật thì bánh bị cứng. Khi rây bánh, người thợ phải khéo tay, rây đều và nhanh để bánh dẻo ở giữa, giòn ở viền. Quá trình nướng bánh phải giữ cho nắp chảo không đọng nước, giữ lửa vừa và cháy đều để bánh lên màu tươi và đẹp. Thao tác đổ bánh phải nhuần nhuyễn và nhanh để bánh không bị khét”.
Bà Thị Hận và chị Thị Thanh làm bánh dứa.
Với bí quyết đặc trưng riêng, bánh dứa của gia đình bà Hận được nhiều người yêu thích. Mỗi lần tham gia hội thi bánh dân gian hay ngày hội truyền thống các dân tộc, bà Hận phải huy động hơn 10 người làm tiếp.
Gian hàng của gia đình bà Hận đổ cùng lúc 6 chảo mới kịp phục vụ thực khách, mỗi đợt đi 3-4 ngày, bà bán hơn 6.000 bánh dứa. Ngày thường bà Hận và con dâu bán bánh qua mạng xã hội. Bà có nhiều khách sỉ ở tỉnh Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh và trên địa bàn huyện.
Là một trong những khách hàng thường xuyên mua bánh dứa của gia đình bà Hận, chị Danh Thị Tiếng, ngụ ấp Bào Láng, xã Nam Thái, huyện An Biên nói: “Bánh dứa gia đình bà Hận làm mềm, dẻo, thơm ngon, nhân bánh vừa ăn, bánh để qua đêm không bị cứng. Tôi thường xuyên mua bánh cho gia đình ăn, ai cũng thích”.
Ngoài làm bánh dứa, bà Hận còn làm bánh ớt, bánh gừng, bánh ít... Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gia đình bà Hận thường tham gia hội thi bánh dân gian Nam bộ, ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành phố. Bà Hận còn truyền dạy công thức và cách làm bánh cho con cháu.
Chị Thị Thanh - con dâu bà Hận cho biết: “Được mẹ dạy làm bánh dứa tôi rất thích. Nghề làm bánh dứa không chỉ giúp gia đình tôi phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi gắn bó lâu dài với nghề này và tiếp tục truyền dạy cho con”.
Theo ông Danh Hoài Tâm - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thứ Ba, trên địa bàn thị trấn có khoảng 40% dân số là đồng bào Khmer. Nhiều năm qua, gia đình bà Hận duy trì, quảng bá nét đẹp ẩm thực của dân tộc Khmer. Xã sẽ quan tâm, tạo điều kiện để gia đình bà Thị Hận giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần bảo tồn và quảng bá nét đẹp truyền thống văn hóa...
Bài và ảnh: BẢO TRÂN
(KGO) - Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Cá linh có thể đem chế biến nhiều món ngon, dễ làm, không tốn nhiều thời gian.
Tổng số lượt truy cập: