04/12/2020 11:38
Ở Kiên Giang, đồng bào Khmer sinh sống chủ yếu ở các huyện Gò Quao, Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, chiếm khoảng hơn 12% dân số. Nét văn hóa ẩm thực của đồng bào Khmer ở Kiên Giang phong phú và đa dạng. Đồng bào Khmer thích sử dụng nước cốt dừa trong nhiều món ăn. Với họ, vị ngậy, béo của nước cốt dừa làm món ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Món canh xiêm lo trong bữa cơm của đồng bào dân tộc Khmer.
Điều riêng biệt độc đáo khi nhắc đến ẩm thực đặc sắc của đồng bào Khmer là các món ăn từ mắm và gia vị thính. Mắm là mắm bò hóc, ngày nay đa phần các gia đình Khmer thường dùng các loại mắm cá thường gần gũi với đời sống tự nhiên, còn gia vị thính là gạo rang được xay nhuyễn dùng để nêm vào các loại canh rau đồng.
Canh xiêm lo - món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer.
Ở Kiên Giang, đồng bào Khmer gìn giữ được các món ăn đặc trưng truyền thống dân tộc. Vào những ngày họp mặt gia đình hay có khách, không khí nhộn nhịp, người Khmer thường sử dụng canh xiêm lo để tỏ lòng hiếu khách. Món canh này thường dùng cá tươi và rau, chuối ghém hoặc trái đu đủ non và được nêm bằng mắm và cho chút gạo làm gia vị thính. Canh xiêm lo được nấu với nhiều loại rau như bồ ngót, bình bát dây, bông điên điển, đọt bí, bầu cùng măng, mướp, khoai môn, khoai lang, bí đao, rau đắng... Canh xiêm lo có nhiều loại khác nhau như xiêm lo mít, xiêm lo bình bát... Mỗi loại canh đều thể hiện sự phong phú, khéo léo của đồng bào Khmer.
Một món bún đặc trưng được các gia đình đồng bào Khmer ở Kiên Giang gìn giữ đó là bún cà chơi. Món này thường dùng cá hoặc lươn nấu nhừ lấy nước cốt, cá rút hết xương, nước cốt của cá được nêm muối ớt, sả... và hai món nêm không thể thiếu là ngải bún cà chơi và mắm bò hóc. Nước cốt sau khi nêm sẽ trở thành nước lèo có vị đặc trưng, hấp dẫn. Hương vị món ăn hấp dẫn những ai quen mùi vị đặc trưng của dân tộc.
Đặc sản bánh thốt nốt của đồng bào dân tộc Khmer huyện Kiên Lương.
Trong đời sống của đồng bào Khmer, bánh ngọt giữ vị trí quan trọng. Tại Kiên Giang, món bánh đặc sắc nhất phải kể đến là bánh thốt nốt. Bánh được làm từ trái thốt nốt có nhiều ở những khu vực đông đồng bào Khmer sinh sống. Người ta bẻ trái thốt nốt, chà vào rổ để lấy bột rồi đem bột này trộn với bột gạo, thêm chút dừa nạo, sau đó lấy lá thốt nốt gói lại rồi đem hấp. Bánh có màu vàng ươm, có mùi thơm hết sức đặc biệt, vị ngọt, vị béo của dừa rất ngon.
Có thể thấy, các món ăn của đồng bào Khmer không cầu kỳ nhưng phản ánh rõ đặc điểm văn hóa trong ẩm thực của dân tộc. Đó là quá trình thích ứng, tương tác và tận dụng đối với môi trường thiên nhiên mà đồng bào Khmer ở Nam bộ nói chung và ở Kiên Giang nói riêng để chế biến ra nhiều món ăn phong phú, độc đáo, mang bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này góp phần bổ sung, làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa ẩm thực của miền đất phương Nam.
Bài và ảnh: THÚY TÀI
(KGO) - Mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Cá linh có thể đem chế biến nhiều món ngon, dễ làm, không tốn nhiều thời gian.
Tổng số lượt truy cập: